Việc 31 quốc gia thành viên IEA xuất kho dự trữ dầu để hạ nhiệt thị trường cùng tình hình chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
IEA “bơm” 120 triệu thùng dầu ra thị trường
Ngày 6-4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 6-4 xác nhận 31 thành viên của cơ quan này đã nhất trí phối hợp “bơm” thêm 120 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp ra thị trường, trong đó Mỹ đóng góp 50%, nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đây là lần phối hợp xả kho thứ hai của IEA trong hơn một tháng qua, trước tình hình giá xăng, dầu thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine và những biện pháp trừng phạt nhắm vào Moskva. Giá nhiên liệu cao đã tác động trực tiếp đến người tiêu dùng vốn đang phải đối mặt với lạm phát kỷ lục trên toàn cầu.
Theo đài NPR, gần một nửa đợt xuất kho mới nhất của IEA sẽ do Mỹ phụ trách. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Kho dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng với tổng số lên đến 180 triệu thùng.
Các bể chứa tại công ty lọc dầu GS Caltex ở Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: CGTN/TTXVN |
Các thành viên IEA khác như đa số quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Mexico cũng có động thái tương tự nhằm kiềm chế giá năng lượng. Thông báo trên của IEA đã đẩy giá dầu thô giảm xuống hơn 5%.
IEA đã đưa ra quyết định trên trong bối cảnh các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới đang tìm cách giảm thiểu tác động của tình trạng giá xăng dầu toàn cầu tăng cao, ở mức hơn 30% kể từ đầu năm tới nay.
Trong diễn biến liên quan, ngày 8-4, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ xuất thêm 7,23 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, ngoài 4,42 triệu thùng dầu đã cam kết trước đó, để giúp hạ nhiệt giá năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga- Ukraine tiếp diễn.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, sau tiến trình tham vấn giữa các quốc gia, số lượng dầu xuất kho đối với Hàn Quốc là 7,23 triệu thùng, mức cao nhất từ trước đến nay mà nước này cam kết trong các động thái quốc tế tương tự và đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhất trí "bơm" thêm dầu ra thị trường tính đến thời điểm hiện tại.
Thị trường dầu mỏ thế giới đã không ngừng biến động mạnh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các nhà phân tích cảnh báo việc xuất kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ cùng các đối tác có thể chỉ là giải pháp tạm thời, dựa trên thực tế rằng thế giới vẫn phải đối mặt với lỗ hổng về nguồn cung từ Nga.
Ông Claudio Galimberti, chuyên gia cao cấp tại tổ chức Rystad Energy nhận định: “Giải pháp dài hạn thực chất duy nhất là bạn cần phải tăng nguồn cung và giảm nhu cầu sử dụng. Hay nói cách khác là kết hợp đồng thời hai yếu tố trên”.
Tuy vậy, các nhà sản xuất dầu bị giới hạn về mức độ và thời gian mà họ có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất. Mới đây, ông Joe Biden đã khuyến khích các nhà sản xuất dầu ở Mỹ khai thác nhiều hơn. Nhưng họ sẽ cần chờ đợi vài tháng trước khi nguồn dầu bổ sung có thể được tung ra thị trường. Và thực tế rằng, các nhà đầu tư cũng đang do dự đổ vốn vào khoan dầu sau khi chịu lỗ lớn trong các vụ phá sản trước đó.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn được gọi là OPEC+, kiên trì giữ nguyên kế hoạch bổ sung nguồn cung khiêm tốn ở mức 432.000 thùng/ngày cho tới tháng 5. Mức này thấp hơn đáng kể so với hy vọng của chính quyền Tổng thống Biden.
OPEC+ hiện kiểm soát phần lớn nguồn cung dầu mỏ của thế giới vì các nước này nắm giữ gần 80% lượng dự trữ dầu thô và cung cấp khoảng 44% thị phần dầu trên toàn cầu.
Trung Quốc căng sức chống dịch Covid-19
Sáng 9-4, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 của nước này cho biết Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 25.164 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Con số này là một trong những mốc cao kỷ lục về số ca mắc mới theo ngày ở quốc gia đông nhất thế giới kể từ thời đại dịch bùng phát ở Vũ Hán cho đến nay.
Thành phố Thượng Hải - nơi tập trung các ngân hàng, hãng bảo hiểm và sàn chứng khoán hàng đầu của nền kinh tế thứ hai thế giới - đã trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất những ngày này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc phụ trách phòng chống dịch Covid-19 Tôn Xuân Lan cho biết công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở Thượng Hải vào thời điểm hiện tại là rất quan trọng. Chính phủ Trung Quốc đã huy động 38.000 nhân viên y tế đến Thượng Hải để hỗ trợ thành phố đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong 2 năm qua.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Các nhà chức trách Trung Quốc đang đưa ra yêu cầu với các hãng hàng không nước ngoài về việc phải có thêm ghế trống trên các chuyến bay quốc tế khi tới sân bay Phố Đông, Thượng Hải, như một phần của các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát một lời kêu gọi hiếm thấy, vận động các đảng viên cùng chung tay ngăn chặn virus lây lan tại điểm nóng Thượng Hải. Trung tâm tài chính có 25 triệu dân này đang bị phong toả nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra.
“Chúng ta cần dũng cảm rút gươm và chiến đấu với mọi loại hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình chung của cuộc chiến chống dịch bệnh” chính là thông điệp mà Thành ủy Thượng Hải gửi đến các đảng viên tối 6-4, cũng là ngày mà thành phố này ghi nhận số ca mắc mới tăng trên 19.900 người.
Ngày 8-4, giới chức thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) khẳng định chính quyền đang và sẽ tiếp tục xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến nhằm tăng cường năng lực điều trị Covid-19 cho bệnh nhân trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron lan rộng tại đây.
Theo đó, 4 bệnh viện dã chiến cấp thành phố, trong đó có 3 bệnh viện tại quận Phố Đông, đã được đưa vào sử dụng trong ngày 8-4. Với tổng diện tích 500.000m2, 4 bệnh viện dã chiến trên có khả năng cung cấp 38.000 giường bệnh. Một bệnh viện dã chiến đang được hoàn thiện tại Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc gia sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 9-4. Được xây dựng trên diện tích gần 600.000m2 với công suất 50.000 giường, đây sẽ là cơ sở y tế dã chiến lớn nhất tại Thượng Hải.
Tờ Bloomberg đưa tin người dân thành phố này đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm cũng như chăm sóc y tế. Đợt bùng phát này đã làm “tê liệt” một trong những thành phố đông dân và nổi tiếng nhất của Trung Quốc, khi các công ty, cơ sở kinh doanh và nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động.
Theo Báo Tin tức