Quốc tế

Bầu cử Tổng thống Pháp: Trước màn "so găng" chung cuộc

08:44, 21/04/2022 (GMT+7)

Sau khi dẫn trước với mức chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu không quá lớn ở vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hôm 10-4, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với đối thủ chính, bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia.

Bà Marine Le Pen (bên trái) và ông Emmanuel Macron sẽ đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20-4 (giờ Pháp). Ảnh: AP
Bà Marine Le Pen (bên trái) và ông Emmanuel Macron sẽ đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20-4 (giờ Pháp). Ảnh: AP

Báo Le Monde (Pháp) cho rằng, cuộc tranh luận ngày 20-4 sẽ không dễ dàng với Tổng thống Macron. Lần đối mặt này của ông với bà Marine Le Pen sẽ kém thoải mái hơn so với cuộc tranh luận trực tiếp của họ vào năm 2017, cũng trong đợt tranh cử tổng thống.

Gió có đổi chiều?

Cuộc tranh luận trực tiếp lúc 19 giờ GMT ngày 20-4 (tức 2 giờ ngày 21-4, giờ Việt Nam) giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp dự kiến sẽ thu hút hàng triệu cử tri theo dõi qua truyền hình. Một vài kết quả khảo sát dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Macron đang nhiều hơn bà Le Pen khoảng 10 điểm %. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, lá phiếu của các cử tri vẫn chưa quyết định và số người không đi bỏ phiếu vẫn có thể sẽ làm thay đổi kết quả chung cuộc.

Vài ngày trước cuộc đối đầu, cả hai chiến dịch tranh cử của bà Le Pen và ông Macron đều tích cực chuẩn bị mọi “vũ khí” cần thiết. Trong cuộc tranh luận năm 2017, bà Le Pen đã thất bại trước đối thủ. Còn ông Macron đã chứng tỏ rằng ông có đủ những tố chất cần thiết để trở thành một tổng thống nghiêm túc.

Năm năm đã qua, giới quan sát giờ đây quan tâm việc bà Le Pen có thể rút ra được những kinh nghiệm nào và bà có đủ sức lật ngược kết quả của cuộc bầu cử 5 năm trước không.

Trong kết quả thăm dò dư luận mới nhất của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đa quốc gia Iposos có trụ sở chính tại Paris (Pháp) công bố ngày 19-4, ông Macron có thể giành 56,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 24-4, trong khi tỷ lệ phiếu bầu của bà Le Pen khoảng từ 44-47%.

Ngày 18-4, bà Le Pen khẳng định đã chuẩn bị tốt hơn cho vòng tranh cử, trong khi ông Macron cũng bày tỏ tự tin sẽ chiến thắng. Song, các cuộc thăm dò cho thấy sự nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách kinh tế, phúc lợi, di cư, ngoại giao và môi trường của bà Le Pen, kết hợp với các cuộc tấn công đổi mới và sắc bén từ nhóm tranh cử của ông Macron có thể làm chậm bước tiến của bà Le Pen.

EU chăm chú theo dõi

Các nước EU đang chăm chú quan sát diễn biến bầu cử Pháp. Nếu ông Macron tái đắc cử, lãnh đạo EU có thể thở phào vì khối này có thêm 5 năm nữa dự kiến yên ổn với một lãnh đạo của Pháp luôn nhiệt thành ủng hộ liên minh gồm 27 thành viên. Còn nếu bà Le Pen đắc cử, EU sẽ sớm phải đối mặt với những cải cách mà chính trị gia này cam kết thúc đẩy.

Bà Le Pen cũng bày tỏ quyết tâm lớn với những chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận trực tiếp ngày 20-4, cơ hội cuối cùng để bà thuyết phục cử tri Pháp về cương lĩnh tranh cử, đặc biệt là luận điểm “xương sống” về chống nhập cư.

Dù dẫn trước ở vòng 1 và hiện dẫn trước theo các kết quả thăm dò, nhưng Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng, ông không chủ quan. Nếu tái đắc cử, ông sẽ có thêm 5 năm để thúc đẩy các cải cách bao gồm nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi, ưu tiên giáo dục và y tế, giảm thuế và tạo thêm việc làm. Hơn nữa, ông Macron cũng sẽ có cơ hội củng cố vị trí số một của mình trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, sau khi bà Angela Merkel rời cương vị Thủ tướng Đức.

Trong khi đó, phát biểu trên đài France Inter, Thủ tướng Pháp Jean Castex kêu gọi người dân đi bỏ phiếu. “Chúng ta phải thuyết phục người Pháp rằng các chương trình nghị sự của ông Emmanuel Macron là những điều tốt nhất cho nước Pháp và cho họ”, ông Castex nói.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.