Quốc tế

Covid-19 tới 6 giờ sáng 28-5: Ca mắc-tử vong tiếp đà giảm toàn cầu, riêng Triều Tiên trên 100.000 'ca sốt'

07:26, 28/05/2022 (GMT+7)

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 486.000 ca mắc và 1.063 ca tử vong. Triều Tiên là quốc gia duy nhất ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới. Đài Loan-Trung Quốc cũng trở thành điểm nóng mới với gần 95.000 ca nhiễm.

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch Covid-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28-5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 530.700.188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 6.308.968 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 486.142 và 1.063 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 501.237.384 người, 23.153.836 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 37.634 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Triều Tiên dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 100.470 ca; Đài Loan-Trung Quốc đứng thứ hai với 94.855 ca; tiếp theo là Mỹ (57.647 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 182 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 147 ca và Italy 137 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 85.630.107 người, trong đó có 1.030.961 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.148.500 ca nhiễm, bao gồm 524.539 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.921.145 ca bệnh và 666.319 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 196 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 155 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 101,2 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,56 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12,12 triệu ca và châu Đại Dương trên 8,6 triệu ca nhiễm.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

 Triều Tiên ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới

Hãng tin Triều Tiên KCNA cho biết, theo thông tin từ trụ sở cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp của nhà nước,  ngày 26-5, thêm hơn 100.470 người dân nước này đã bị sốt (giảm 5.040 người so với ngày hôm trước), 139.180 người hồi phục (giảm 17.840 người so với ngày hôm trước ) và có 1 trường hợp tử vong được ghi nhận từ 18h ngày 25-5 đến 18h ngày 26-5 trên cả nước.

Tính đến 18h ngày 26-5, kể từ cuối tháng 4, tổng số người bị sốt là 3.270.850 người, trong đó có hơn 3.037.690 (92,871%) đã khỏi và ít nhất 233.090 (7,177%) đang được điều trị. Số người chết là 69 và tỷ lệ tử vong là 0,002 %. 

WHO: Số ca mắc và tử vong đang trên đà giảm trên toàn cầu

Trong báo cáo hàng tuần về tình hình dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26-5 cho biết số ca mắc và tử vong mới do Covid-19 vẫn đang trên đà giảm trên toàn cầu từ mức cao nhất hồi tháng 1.

Theo WHO, hơn 3,7 triệu ca mắc và 9.000 ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới trong tuần trước, giảm tương ứng 3% và 11%. Số ca mắc mới Covid-19 chỉ còn tăng ở hai khu vực là châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương trong khi số ca tử vong duy trì ở mức ổn định hoặc giảm trên thế giới, ngoại trừ khu vực Trung Đông ghi nhận mức tăng 30%.

WHO cho biết tổ chức này đang theo dõi mọi biến thể phụ của Omicron trong nhóm "những biến thể đáng lo ngại". WHO lưu ý rằng những nước ghi nhận làn sóng dịch bệnh do biến thể phụ BA.2 của Omicron dường như ít chịu tác động bởi hai biến thể phụ khác là BA.4 và BA.5, vốn là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh mới nhất tại Nam Phi.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học KwaZulu-Natal, Salim Abdool Karim, dường như Nam Phi đã vượt qua được làn sóng dịch bệnh mới nhất này. Ông dự báo một biến thể phụ khác của Omicron có thể sẽ xuất hiện vào tháng 6, khi giải thích rằng biến thể Omicron có một lượng biến thể phụ lớn như vậy đồng nghĩa biến thể này có nhiều khả năng tiến hóa.

Phong toả không giúp ích nhiều trong việc giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19

Theo một nghiên cứu của Đại học John Hopkins (Mỹ), các biện pháp phong toả đã cứu được 10.000 mạng sống tại châu Âu và Mỹ, cho thấy các biện pháp cứng nhắc có “tác động rất ít hoặc không tác động” đến việc giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19.

Nhóm chuyên gia kinh tế quốc tế của Đại học John Hopkins, Đại học Lund tại Thuỵ Điển và nhóm chuyên gia cố vấn Trung tâm Nghiên cứu chính trị của Đan Mạch, đã kết luận rằng phong toả chỉ giúp giảm 3% số ca tử vong tại Anh, Mỹ và châu Âu trong năm 2020. Cụ thể, số ca tử vong ở châu Âu giảm 6.000 ca và ở Mỹ là 4.000 ca. Để so sánh, các chuyên gia cho biết có khoảng 72.000 ca tử vong vì cúm tại châu Âu và 38.000 ca tại Mỹ hằng năm.

Nhân viên giao thực phẩm cho người bị cách ly tại nhà vì nghi nhiễm COVID-19 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCTV/Yonhap
Nhân viên giao thực phẩm cho người bị cách ly tại nhà vì nghi nhiễm Covid-19 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCTV/Yonhap

Tỷ lệ trên là tính tác động trung bình của tất cả các biện pháp phong toả. Nếu tính riêng những lệnh ở trong nhà, nhóm nghiên cứu ước tính con số này còn nhỏ hơn nữa, chỉ giảm 2% số ca tử vong. Trong khi đó, báo cáo trên chưa bao gồm các ca tử vong gián tiếp vì lệnh phong toả, tức là những ca tử vong vì các bệnh khác do không thể đến bệnh viện điều trị.

Kết luận của nhóm chuyên gia là “các biện pháp phong toả nghiêm ngặt không phải là cách hiệu quả để giảm tỷ lệ tử vong trong một đại dịch, ít nhất là trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất của đại dịch Covid-19”.

Đáng chú ý là nghiên cứu đã chỉ ra rằng đeo khẩu trang là biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất, dẫn tới giảm 18,7% số ca tử vong.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21-5-2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các phát hiện mới về tác dụng của vaccine ngừa Covid-19

Hãng tin Reuters của Anh ngày 26-5 tổng hợp một số nghiên cứu gần đây liên quan đến Covid-19, trong đó có nghiên cứu về các trường hợp lây nhiễm đột phá và nghiên cứu về tác dụng của vaccine đối với bệnh nhân ung thư.

Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ tại Hàn Quốc được đăng tải đầu tuần này trên tạp chí chuyên ngành JAMA Network Open, những người đã tiêm phòng đầy đủ vẫn mắc Covid-19 (lây nhiễm đột phá) truyền bệnh cho ít người hơn và thời gian lây truyền bệnh ngắn hơn so với những trường hợp tiêm phòng chưa đủ liều hoặc chưa tiêm phòng. 

Theo các nhà khoa học, dữ liệu từ nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng rằng mặc dù có khả năng lây nhiễm đột phá, nhưng việc tiêm phòng vẫn rất hữu ích đối với việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Một nghiên cứu khác trên quy mô lớn hơn được đăng tải trên tạp chí Lancet Oncology ngày 23-5 vừa qua cho thấy các loại vaccine ngừa Covid-19 có tác dụng phòng ngừa bệnh này đối với hầu hết bệnh nhân ung thư, nhưng tác dụng ít hơn và hiệu quả bảo vệ giảm nhanh hơn so với những người không mắc bệnh ung thư.

Trong thời gian biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra hầu hết các ca mắc Covid-19 tại Anh, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 377.194 bệnh nhân ung thư và hơn 28 triệu người không có các khối u ác tính. Sau khi tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer-BioNTech hoặc của AstraZeneca, hiệu quả phòng bệnh tổng thể của vaccine ở những người không có khối u ác tính là 69,8% và ở những bệnh nhân ung thư là 65,5%. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, tỷ lệ này giảm xuống lần lượt còn 61,4% và 47%.    

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Quezon, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Quezon, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Thụy Sĩ lên kế hoạch tiêu hủy hơn 620.000 liều vaccine ngừa Covid-19 hết hạn sử dụng

Giới chức y tế Thụy Sĩ ngày 27-5 cho biết nước này sẽ tiêu hủy hơn 620.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna đã hết hạn sử dụng vào thời điểm nhu cầu tiêm phòng loại vaccine này giảm đáng kể.

Theo một người phát ngôn của Cơ quan  Y tế Liên bang Thụy Sĩ, nước này đã mua quá nhiều vaccine ngừa Covid-19 để thực hiện mục tiêu "bảo vệ người dân tại mọi thời điểm bằng các loại vaccine hiệu quả nhất có sẵn". Trong năm 2022, Thụy Sĩ, quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng phòng đại dịch Covid-19, mua tổng cộng 34 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 8,7 triệu dân.  Hồi tháng 2 năm nay, nước này cho biết sẽ tài trợ tới 15 triệu liều vaccine dư thừa cho các nước nghèo vào giữa năm 2022, tuy nhiên số vaccine có thể tài trợ được cho những nước này trên thực tế hiện vẫn đang được thảo luận. Trong tháng 3, Thụy Sĩ thông báo đã mua ít nhất 14 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng Moderna và hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech để phục vụ người dân vào năm 2023, và có nhiều giải pháp để lựa chọn nhằm tăng gấp đôi liều vaccine này. Ngoài ra, quốc gia trên cũng cho hay sẽ mua tới 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của một hãng dược phẩm khác.

Tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein mới chỉ có hơn 70% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Theo giới chức Thụy Sĩ, cho đến nay, nước này đã ghi nhận gần 3,7 triệu ca mắc bệnh và 13.325 ca tử vong.

Tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) ghi nhận các ca mắc Covid-19 tại khu vực biên giới

Ngày 27-5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng không rõ nguồn gốc tại các khu vực biên giới của tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này.

Theo NHC, dịch bệnh có xu hướng lây lan từ các khu vực biên giới tới vùng nội địa. Tỉnh Cát Lâm có biên giới giáp cả Nga lẫn Triều Tiên. Hiện chưa rõ chính xác khu vực nào đang chịu ảnh hưởng và bao nhiêu ca mắc Covid-19 mới được phát hiện.

Trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới tại Cát Lâm đã duy trì ở mức một con số, với nhiều trường hợp gần biên giới Triều Tiên. Tỉnh này vẫn chưa xác nhận ca mắc Covid-19 nào trong số những người vừa trở về từ nước ngoài trong thời gian gần đây. Tháng trước, Trung Quốc đã đình chỉ dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt với Triều Tiên.

Theo thống kê của NHC, trong ngày 26-5, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 80 ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 45 ca tại Thượng Hải,  22 ca tại Bắc Kinh, 7 ca tại Thiên Tân, 2 ca tại Cát Lâm và 2 ca tại Tứ Xuyên. Số ca nhiễm không triệu chứng tại Trung Quốc đại lục là 274 ca, trong đó có 219 ca tại Thượng Hải. Số bệnh nhân mới bình phục là 216 người, trong khi có 3.272 người vẫn đang điều trị trong bệnh viện. Trong ngày 26-5, Thượng Hải đã ghi nhận 1 ca tử vong do Covid-19.

Những lo lắng trong đại dịch Covid-19 ở người mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Communications Medicine, sự lo âu muộn phiền tâm lý của người mẹ trong đại dịch Covid-19 có thể liên quan đến những thay đổi trong não bộ của thai nhi.

Nghiên cứu có sự tham gia của 65 phụ nữ mang thai (trong thời gian đại dịch từ tháng 6-2020 đến tháng 4-2021) và 137 người mang thai trước khi bùng phát dịch (từ tháng 3-2014 đến tháng 2-2020). Không tình nguyện viên nào mắc Covid-19 trong thời gian nghiên cứu. Nghiên cứu đã đánh giá tác động tiềm tàng của đại dịch đối với phụ nữ mang thai và sự phát triển của bào thai, không tập trung nghiên cứu tác động của các ca mắc Covid-19.

Bà Catherine Limperopoulos  và các cộng sự đã chụp cộng hưởng từ (MRI) não của thai nhi trong bụng những người mẹ mang bầu trước và trong đại dịch. Sau đó, họ đánh giá hình ảnh cấu trúc bề mặt não, trong đó có nếp gấp vỏ não và hình dạng nhăn nheo, cũng như độ sâu của các nếp nhăn trên bề mặt não.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 5-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu cho thấy 3 chỉ số đo cấu trúc và thể tích não đã giảm trong bào thai của nhóm mang bầu trong đại dịch so với nhóm mang bầu trước đại dịch. Sự phát triển của các cấu trúc này bị tác động tiêu cực của sự lo lắng, căng thẳng và muộn phiền. Khi so sánh với nhóm mang bầu trong đại dịch nhưng ít lo lắng hơn, các tác giả cũng thấy 3 chỉ số trên giảm so với nhóm mang bầu trước dịch.

Khi quan sát cấu trúc não, các tác giả cũng phát hiện sự hồi hoá (tức là quá trình hình thành các nếp gấp đặc trưng của vỏ não) đã chậm lại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những khác biệt khi so sánh các phát hiện khác nhau cho thấy có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của não, không chỉ là mức độ lo lắng của người mẹ.

Theo Báo Tin tức

.