Quốc tế
Đằng sau cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan về gia nhập NATO
Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu ra 5 "đảm bảo cụ thể" yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan thực hiện để gia nhập NATO tại cuộc đàm phán 3 bên ở thủ đô Ankara.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển tại cuộc họp 3 bên. Ảnh: DW |
Theo Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet, tại cuộc họp ba bên giữa nước này với Thụy Điển và Phần Lan tại thủ đô Ankara ngày 25-5, liên quan đến việc gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan đưa ra những đảm bảo cụ thể trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là về Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và các chi nhánh YPG ở Syria, nếu họ muốn gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Cuộc họp ba bên có sự tham dự của Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, İbrahim Kalın và Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Önal, Quốc vụ khanh Thụy Điển phụ trách về các vấn đề đối ngoại và Hội đồng Chính sách An ninh Oscar Stenstrom, Thứ trưởng Ngoại giao Phần Lan Jukka Salovaara.
Thụy Điển và Phần Lan chính thức xin gia nhập NATO sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các đồng minh NATO, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, đã hoan nghênh tư cách thành viên của họ. Ankara, viện dẫn mối quan hệ của họ với PKK và các nhóm khủng bố chống Thổ Nhĩ Kỳ khác, đã phản đối việc hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh.
Các phái đoàn của Thụy Điển và Phần Lan đã đến Ankara để đảm bảo với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu nhấn mạnh rằng các cam kết này phải được lập thành văn bản và có tính ràng buộc. Ông Çavuşoğlu cho rằng cần có các cuộc đàm phán sâu hơn với hai quốc gia Bắc Âu với sự tham gia của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã liệt kê 5 “đảm bảo cụ thể” mà họ đang đòi hỏi từ Thụy Điển, bao gồm những điều họ nói là “chấm dứt hỗ trợ chính trị cho chủ nghĩa khủng bố”, “loại bỏ nguồn tài trợ khủng bố” và “ngừng hỗ trợ vũ khí” đối với PKK và YPG - chi nhánh của PKK ở Syria. Các yêu cầu cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác toàn cầu chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ còn kêu gọi cả hai quốc gia không cho phép sự hiện diện của các thành viên FETÖ (phong trào Hồi giáo do Fethullah Gülen, nhà truyền đạo, đứng đầu) trên lãnh thổ của họ.
Hiện Thụy Điển và Phần Lan hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận cần thiết từ 30 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến được tổ chức tại Madrid vào ngày 29 - 30-6 tới. Việc mở rộng NATO với hai quốc gia Bắc Âu này cũng cần nhận được sự đồng ý của quốc hội từ tất cả 30 quốc gia. NATO và đa số các đồng minh phương Tây có kế hoạch hoàn thành quá trình này nhanh nhất có thể.
Trong khi đó, Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết Thụy Điển không tài trợ hay vũ trang cho các tổ chức khủng bố. Bà Andersson nói trong một cuộc họp báo ở Stockholm: “Tất nhiên, chúng tôi không gửi tiền cho các tổ chức khủng bố, cũng như bất kỳ loại vũ khí nào".
Theo baotintuc.vn