Ngày 21-5, người dân Australia sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra chính phủ và thủ tướng mới sau 3 năm đầy thử thách và biến động chưa từng thấy về kinh tế-xã hội, y tế cũng như an ninh - quốc phòng trong nước và trên thế giới.
Cử tri Australia bỏ phiếu sớm trong cuộc tổng tuyển cử ở Melbourne, ngày 9-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Như thường lệ, hai đối thủ chính trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Australia lần này là liên minh giữa hai đảng Tự do và Quốc gia (liên đảng Tự do - Quốc gia) cầm quyền và Công đảng, bên cạnh rất nhiều đảng nhỏ khác và hàng chục ứng cử viên độc lập tham gia cuộc đua giành 151 ghế trong hạ viện và 40 trong số 76 ghế thượng viện. Bên nào giành được đa số ghế trong hạ viện, tối thiểu 76 ghế, sẽ được quyền thành lập chính phủ và nhà lãnh đạo của đảng/liên đảng cầm quyền sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Australia. Trong trường hợp không bên nào giành được đa số ghế trong hạ viện, khi đó gọi là “quốc hội treo”, các chính đảng lớn sẽ phải thỏa thuận và liên minh với các đảng nhỏ hơn và các nghị sỹ độc lập nhằm bảo đảm có đủ số ghế để được quyền lãnh đạo đất nước trong 3 năm tới.
Bước vào cuộc bầu cử lần này, chính phủ liên đảng Tự do - Quốc gia quyết tâm tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong khi Thủ tướng Scott Morrison đặt mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử liên tiếp kể từ năm 2004. Đối thủ chính của ông trong cuộc đua là lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese, người đứng đầu phe đối lập kể từ năm 2019. Ông Albanese cũng rất quyết tâm đưa Công đảng trở lại nắm quyền kể từ năm 2013 và trở thành thủ tướng thứ 31 của Australia.
Phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử hôm 10-4, Thủ tướng Morrison kêu gọi người dân Australia tiếp tục đặt lòng tin vào chính phủ cầm quyền, một chính phủ không thật “hoàn hảo” nhưng đã thành công trong việc đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 và nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Ông tuyên bố nhờ các biện pháp đúng đắn và kịp thời của chính phủ, Australia đã tránh được “những cơn ác mộng” mà rất nhiều quốc gia phải đối mặt trong những năm qua, bảo vệ được hàng trăm nghìn việc làm và cứu được hàng chục nghìn mạng sống so với các quốc gia khác.
Nhà lãnh đạo Australia nêu rõ, tỷ lệ thất nghiệp, vốn được dự đoán lên tới 15%, nhưng hiện chỉ ở mức 4%, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Tốc độ phục hồi kinh tế của Australia đang nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Ông cũng nhấn mạnh đến những sáng kiến và các khoản đầu tư lớn của chính phủ vào việc tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh của đất nước trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trong khu vực và trên thế giới. Những sáng kiến này bao gồm việc đạt được thỏa thuận quốc phòng AUKUS với Mỹ và Anh cũng như các dự án mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự mới trị giá nhiều tỷ USD trong 10 năm tới.
Trong cương lĩnh tranh cử, Thủ tướng Morrison nêu một loạt các cam kết giúp người dân vượt qua những khó khăn kinh tế- xã hội trước mắt, cũng như các kế hoạch phát triển lâu dài cho đất nước. Để ứng phó với sức ép lạm phát đang ngày càng gia tăng, bên cạnh các biện pháp đã được chính phủ đưa ra gần đây, ông cam kết duy trì mức giảm thuế xăng trong 6 tháng và trợ cấp tiền mặt cho người đã nghỉ hưu và các gia đình có mức thu nhập trung bình và thấp.
Về dài hạn, ông Morrison công bố kế hoạch tạo ra 1,3 triệu việc làm trong vòng 5 năm tới thông qua các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp năng lượng sạch và sản xuất, qua đó giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4% hoặc thấp hơn. Để thúc đẩy nền kinh tế hồi phục, ông cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, không đặt ra các loại thuế mới và giữ các loại thuế ở mức dưới 23,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong tuần cuối trước ngày bầu cử, Thủ tướng Morrison công bố một chính sách tài chính nhà ở quan trọng trong bối cảnh giá nhà ở Australia đang tăng cao kỷ lục, cho phép những người dân lần đầu tiên mua nhà được sử dụng một phần tiền tích lũy hưu trí của mình. Giới phân tích bầu cử đánh giá chính sách này của liên đảng chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của số cử tri còn đang lưỡng lự, chưa quyết định bỏ phiếu cho bên nào. Ngoài ra, ông cũng cam kết, nếu có cơ hội làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông sẽ thay đổi cách thức lãnh đạo nhằm đáp ứng được nhiều hơn nữa các mong muốn của cử tri, thay vì hành động một cách quyết đoán như trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng và đại dịch Covid-19.
Ở bên kia "chiến tuyến", Công đảng Australia cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo và đầy tham vọng cho cuộc đua lần này sau khi rút ra được nhiều bài học từ thất bại cay đắng 3 năm trước.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, nhà lãnh đạo Althony Albanese tập trung đưa ra các cam kết giúp người dân Australia vượt qua các khó khăn mới nảy sinh như chi phí sinh hoạt, lạm phát, lãi suất tăng cao và thúc đẩy các chính sách vốn là thế mạnh truyền thống của đảng này như an sinh xã hội, chống biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý nhất là cam kết ủng hộ việc tăng lương cơ bản lên ngang với tốc độ lạm phát hiện đang ở mức 5,1%, dành gần 1 tỷ AUD (700 triệu USD) để hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia đình và giảm phí trông giữ trẻ cũng như hóa đơn tiền điện để giúp giảm sức ép tài chính đối với các hộ gia đình.
Mặc khác, nhà lãnh đạo Công đảng cũng cam kết đầu tư ngân sách một cách hiệu quả và chất lượng, như tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng để tăng năng suất, phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, sản xuất xe điện, bảo vệ môi trường và đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Các ưu tiên khác bao gồm phát triển các dự án nhà ở với mức giá phải chăng, cải thiện dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Đưa ra khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Albanese kêu gọi người dân Australia hãy chọn cho mình một chính phủ “tốt hơn” để có “một tương lai tốt đẹp hơn” thông qua cuộc bầu cử lần này. Trong lĩnh vực đối ngoại, Công đảng cam kết tăng cường tài trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác với các nước châu Á để đối phó với các diễn biến địa chính trị căng thẳng trong khu vực, chú trọng vào hợp tác với các nước như Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo các kết quả thăm dò cho đến sát ngày bầu cử, Công đảng luôn chiếm ưu thế so với liên đảng cầm quyền trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo đất nước trong 3 năm tới, với tỷ lệ ủng hộ của cử tri lần lượt là 54% và 46%. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị ở Australia đều khá thận trọng trong việc đưa ra dự đoán bên nào sẽ giành chiến thắng, đồng thời nêu một số thách thức và khó khăn cho cả hai lực lượng chính trị lớn nhất đất nước.
Phó Giáo sư chính trị tại Đại học Flinders, ông Haydon Manning, nhận xét các cuộc thăm dò dư luận hiện đều chỉ ra khả năng Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông lưu ý kết quả thăm dò này cũng tương tự như ba năm trước, nhưng khi đó Công đảng đã thua.
Giáo sư lịch sử Frank Bongiorno của Đại học Quốc gia Australia cho rằng, mặc dù đang có dấu hiệu "hồi sinh" ở nhiều bang khác nhau, Công đảng đang đứng trước thách thức rất lớn ở bang Queensland, nơi đảng này còn thua xa so với liên đảng khi chỉ mới giữ 20% trong số 30 ghế hạ viện ở đây.
Trong khi đó, chuyên gia khoa học chính trị Glenn Kefford tại Đại học Queensland nhận xét mặc dù nhà lãnh đạo đương nhiệm thường có thuận lợi hơn trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, nhưng điều đó đã không xảy ra lần này. Trong những tháng gần đây, sự tín nhiệm của cử tri dành cho ông Albanese đã tăng lên. Theo vị chuyên gia này, trong hơn 3 năm qua, đã có không ít chỉ trích xung quanh việc chính phủ đương nhiệm, đặc biệt là cá nhân thủ tướng, giải quyết các các vấn đề liên quan đến lũ lụt, cháy rừng cũng như ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, “quốc hội treo” cũng là một kịch bản được một số chuyên gia và nhà bình luận chính trị Australia đề cập tới khi đưa ra dự đoán về kết quả bầu năm nay, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cử tri Australia đối với hai đảng lớn ngày càng trở nên sít sao và có dấu hiệu giảm, hiện ở mức khoảng 38% đối với Công đảng và 35% đối với liên đảng theo kết quả thăm dò dư luận Newspoll. Lịch sử cho thấy Công đảng chưa bao giờ thành lập được chính phủ đa số khi chỉ được 38% cử tri ủng hộ. Theo các chuyên gia, với một số lượng lớn cử tri Australia còn đang lưỡng lự hay có ý định bỏ phiếu cho các đảng nhỏ hay ứng cử viên độc lập, chiếm gần 1/3 trong tổng số hơn 17 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu, chiến dịch tranh cử sẽ sôi động và kịch tính cho đến những phút cuối cùng và kết quả bầu cử trở nên khó dự đoán hơn.
Theo baotintuc.vn