Thế giới tuần qua: FED tăng lãi suất cao nhất trong 2 thập kỷ; Nga giữ nguyên chiến dịch tại Ukraine

.

Động thái điều chỉnh lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và việc Nga tuyên bố không miễn cưỡng điều chỉnh chiến dịch tại Ukraine theo bất kỳ ngày nào là hai sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua.

FED tăng lãi suất cao nhất trong 2 thập kỷ

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ảnh: THX/TTXVN
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ảnh: THX/TTXVN

Nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát leo thang, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 4-5 đã quyết định tăng lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Đài phát thanh NPR của Mỹ đưa tin ngân hàng trung ương này đã nâng lãi suất chủ chốt lên 0,5 điểm phần trăm, sau khi tăng lên mốc 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3. Động thái trên đánh dấu một bước ngoặt mạnh mẽ về mặt chính sách mà FED đã theo đuổi trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý, FED đã không tăng lãi suất quá 0,25 điểm phần trăm kể từ tháng 5-2000.

Chủ tịch FED Jerome Powell nói: “Lạm phát đang ở mức quá cao và chúng tôi hiểu rõ nỗi khó khăn mà nó đang gây ra. Chúng tôi đang khẩn trương hành động để hạ thấp lạm phát”.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức có phản ứng tích cực trước thông tin FED đưa ra, khi giới đầu tư được giải tỏa lo ngại vì trước đó xuất hiện thông tin FED có khả năng tăng nhanh lãi suất ở ngưỡng 0,75 điểm phần trăm.

Ông Powell cho biết sẽ cùng các đồng nghiệp cân nhắc cẩn thận về hai lần tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào hai cuộc họp tháng 6 và tháng 7 tới. Tuy nhiên, việc ông khẳng định FED sẽ không tăng lãi suất lớn hơn 0,5 điểm phần trăm tại một thời điểm đã khiến các nhà đầu tư nhẹ nhõm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 900 điểm, trong khi cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều tăng khoảng 3%.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - đã tăng 6,6% trong thời hạn 12 tháng kết thúc vào tháng 3-2022, trong khi cơ quan này đặt mục tiêu lạm phát hàng năm là 2%. Đó là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Nếu không tính chi phí thực phẩm và năng lượng biến động, giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 5,2%.

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 5-5. Ảnh: THX/TTXVN
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 5-5. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng lạm phát tại Mỹ hiện nay là do nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với cả hàng hóa và dịch vụ, vượt quá khả năng cung cấp của các doanh nghiệp.

Lo sợ về suy thoái ngày càng gia tăng, FED hy vọng sẽ hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng bằng cách tăng lãi suất cho vay. Dù vậy, lãi suất vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử.

Các nhà hoạch định chính sách của FED hồi tháng 3 đã kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trung bình lên gần 2% vào cuối năm nay và gần 3% vào cuối năm 2023.

Lãi suất tăng làm tăng chi phí của tất cả các loại tín dụng, từ cho vay mua ô tô đến thế chấp nhà. Một số nhà phân tích lo ngại rằng trong nỗ lực kiểm soát giá cả, FED có nguy cơ gây ra suy thoái. Tuy nhiên, Chủ tịch FED bày tỏ sự lạc quan rằng họ có thể kiềm chế lạm phát mà không làm đình trệ tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Jerome Powell lưu ý rằng các gia đình đã tích lũy được thêm khoản tiết kiệm đáng kể trong thời gian xảy ra đại dịch, trong khi các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng tài chính tốt cũng như thị trường lao động tăng trưởng mạnh.

Trong phần lớn năm ngoái, FED giải thích tình trạng lạm phát bắt nguồn từ các vấn đề chuỗi cung ứng gắn liền với đại dịch nên sẽ tự giảm bớt. Tuy nhiên, tình trạng kham hiếm ô tô mới và các sản phẩm khác vẫn còn tiếp diễn, và việc tăng giá đã lan sang nhiều bộ phận khác của nền kinh tế, trong đó có tiền thuê nhà và tiền điện.

Tình hình bất ổn tại Ukraine vào đầu năm nay đã khiến giá dầu và lương thực tăng đột biến. Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách của FED nhận định những đợt phong tỏa vì Covid-19 đang diễn ra ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngoài động thái tăng lãi suất, FED cũng công bố kế hoạch bắt đầu giảm dần lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ và chứng khoán có thế chấp từ ngày 1-6.

Nga giữ nguyên các mục tiêu tại Ukraine

Ngày 1-5, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mediaset của Italy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẽ không thay đổi lập trường hay điều chỉnh tốc độ của chiến dịch quân sự tại Ukraine vào bất kỳ ngày nào, kể cả Ngày Chiến thắng được tổ chức tại Moskva hôm 9-5.

Theo tờ Business Standard, quan chức ngoại giao Nga cho biết tốc độ của chiến dịch ở Ukraine phụ thuộc trước hết vào nhu cầu giảm thiểu rủi ro đối với dân thường và quân nhân Nga. Do đó, các binh sĩ sẽ không miễn cưỡng điều chỉnh hành động trong bất kỳ ngày nào, kể cả sự kiện Ngày Chiến thắng quan trọng.

Khói bốc lên tại thành phố Lviv trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngày 3-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Khói bốc lên tại thành phố Lviv trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngày 3-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Lavrov chỉ rõ rằng Điện Kremlin đã tập trung vào các mục tiêu chính ở Ukraine như bảo vệ dân thường, hay không để xảy ra bất kỳ mối đe dọa nào trên lãnh thổ Ukraine liên quan đến vũ khí tấn công và phát xít hóa, theo tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin. Chính trị gia này nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi không bao gồm việc thay đổi chế độ ở Ukraine”.

Theo hãng tin TASS, Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev trong cuộc họp báo ngày 6-5.

Trong diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 6-5 đã thống nhất thông qua tuyên bố đầu tiên về Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hôm 24-2, bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Tổng Thư ký LHQ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến hiện nay.

Tuyên bố do Na Uy và Mexico, hai quốc gia ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, soạn thảo có đoạn viết: “HĐBA bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine”. HĐBA cũng nhắc lại quan điểm rằng các quốc gia thành viên LHQ có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của Hiến chương LHQ". Đây là tuyên bố đầu tiên thể hiện sự đồng thuận của HĐBA trong vấn đề Ukraine kể từ khi cuộc chiến nổ ra.

Cũng trong ngày 6-5, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn phát biểu của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán giải quyết xung đột với Nga sau khi các lực lượng của Moskva quay trở lại vị trí như trước ngày 24-2 - thời điểm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Trong tuyên bố, Tổng thống Zelensky cho rằng các lực lượng của Nga cần rút về các đường ranh giới hoặc giới tuyến tạm thời. Có như vậy, hai bên mới có thể bắt đầu những cuộc đàm phán đầy đủ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh không phải mọi “cây cầu" dành cho hòa đàm với Nga đã bị hủy hoại. Vòng hòa đàm trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine đã diễn ra vào cuối tháng 3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.