Vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

.

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ đến châu Á vừa qua nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh của Washington với Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của ông Biden nhằm 2 mục đích chính:

Một là, khẳng định sự hợp tác an ninh - kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc và công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Trong đó, việc công bố IPEF được xem là bước đi rộng lớn hơn nhằm tạo lập một khuôn khổ hợp tác kinh tế cả hai khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự dẫn dắt của Mỹ. Khuôn khổ IPEF được chia thành 4 “trụ cột” tập trung thiết lập các quy tắc mới cho thương mại và nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu, nỗ lực ngăn chặn rửa tiền và hối lộ.

IPEF còn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác ký kết như: Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Chính Tổng thống Biden đã khẳng định: “Tương lai của nền kinh tế thế kỷ XXI phần lớn sẽ được viết ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và “Chúng tôi đang viết ra các quy tắc mới”!

Hai là, Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp của nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) ngày 24-5 tại Tokyo là điểm nhấn trong chuyến công du châu Á của ông Biden nhằm thúc đẩy lập trường của nhóm này trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của mọi quốc gia được tôn trọng, không chịu sự chèn ép về quân sự, kinh tế và chính trị…

Mỹ có quan hệ đồng minh lần lượt với Nhật Bản và Úc. Còn Ấn Độ tuy không phải là đồng minh nhưng là một nước lớn của khu vực Ấn Độ Dương và có quan hệ mật thiết với Mỹ. Vì vậy, Mỹ rất coi trọng việc liên kết với các nước đồng minh, các quốc gia hữu hảo có cùng lập trường trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và giữ vai trò chủ đạo trong khuôn khổ hợp tác 4 nước.

Do đó, Tổng thống Biden đã nâng cấp khuôn khổ QUAD ở cấp bộ trưởng lên cấp thượng đỉnh. Tháng 3-2021, Mỹ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của QUAD theo hình thức trực tuyến. Tháng 9-2021, hội nghị trực tiếp lần thứ nhất của QUAD được tổ chức và đưa ra quyết định sẽ tổ chức hội nghị này hằng năm.

Trong Tuyên bố chung ngày 24-5, các nhà lãnh đạo QUAD lên tiếng ủng hộ việc tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế, nhất là những nội dung được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ việc duy trì tự do hàng hải và hàng không nhằm đối phó các thách thức đối với trật tự dựa trên các quy tắc hàng hải, trong đó có ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuyên bố chung nêu rõ: Nhóm QUAD ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tự do, thượng tôn pháp luật, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không dùng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, tự do hàng hải và tự do hàng không; tất cả các nguyên tắc này cực kỳ quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cho cả thế giới.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo QUAD đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó với đại dịch Covid-19 và an ninh y tế toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng; biến đổi khí hậu; an ninh mạng; vũ trụ, các công nghệ cực kỳ quan trọng và mới nổi…

Có thể nói, dù trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang làm đảo lộn mọi tính toán của Mỹ và các đồng minh phương Tây về tiến trình một châu Âu an ninh và thịnh vượng nhưng chính phủ của Tổng thống Biden vẫn không xao lãng trước một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầy tiềm năng cho sự phát triển trong thế kỷ 21 và cũng chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó có vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.