WHO nhận định dịch đậu mùa khỉ vẫn nằm trong tầm kiểm soát

.

Ngày 24-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay đã ghi nhận 131 ca mắc và thêm 106 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi căn bệnh này được phát hiện cách đây khoảng 3 tuần tại các quốc gia ngoài châu Phi - nơi căn bệnh này là đặc hữu.

Hình ảnh dưới kính hiển vi cho thấy virus đậu mùa khỉ trong mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân. Ảnh: Reuters/TTXVN
Hình ảnh dưới kính hiển vi cho thấy virus đậu mùa khỉ trong mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân. Ảnh: Reuters-TTXVN

Trong tuyên bố của mình, WHO đánh giá tuy đợt bùng phát dịch bệnh này khá bất thường, song vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tổ chức này cũng cho biết sẽ sớm tổ chức thêm các cuộc họp nhằm đưa ra những khuyến nghị mới hỗ trợ các nước thành viên đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

Phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sỹ Sylvie Briand, Giám đốc quản lý nguy cơ lây nhiễm toàn cầu tại WHO, cho biết tổ chức này khuyến khích các nước tăng cường theo dõi và giám sát bệnh đậu mùa khỉ để đánh giá mức độ lây lan và hiểu rõ hơn căn bệnh này. Hiện vẫn chưa thể xác định hàng loạt ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là "phần nổi của tảng băng chìm" hay là dấu hiệu cho thấy đã qua đỉnh dịch. Bà Briand cũng nhắc lại quan điểm của WHO về việc loại trừ khả năng virus đã đột biến, song nhấn mạnh sự lây truyền có thể được thúc đẩy do thay đổi trong hành vi của con người, đặc biệt là khi người dân quay lại cuộc sống bình thường và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ.

Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong. Hiện bệnh đang lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ, với ca mắc đầu tiên được phát hiện tại Anh vào ngày 7-5 vừa qua, là một người gần đây đã đến Nigeria. Các thông tin hiện nay cho thấy bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, do đó, các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là cách ly và khử khuẩn. Tuy nhiên, WHO cho rằng chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng ngày, truyền hình N1 của Slovenia thông báo nước này đã ghi nhận ca mắc bệnh đầu mùa khỉ đầu tiên, là trường hợp một du khách trở về từ quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Theo N1, người đàn ông này không phải nhập viện do chỉ nhiễm chủng virus gây bệnh thể nhẹ.

Tại Hàn Quốc, giới chức y tế cho biết nước này vẫn duy trì cảnh giác trước khả năng xâm nhập của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận các trường hợp mắc căn bệnh này.

Trong một cuộc họp thường kỳ, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cảnh báo dù đến nay nước này chưa ghi nhận ca mắc nào, song không thể loại trừ khả năng virus đậu mùa khỉ xâm nhập, đặc biệt trong bối cảnh du lịch quốc tế hồi sinh với việc các quy định chống dịch Covid-19 được nới lỏng. Ngoài ra, việc loại virus có nguồn gốc từ châu Phi này có thời gian ủ bệnh tối đa đến 21 ngày cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Quan chức KDCA Lee Sang-won cho biết Hàn Quốc sẽ áp dụng kiểm tra thân nhiệt và khảo sát y tế đối với các du khách đến từ những quốc gia ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ.

Trong khi đó, Bộ Y tế Fiji cho biết đang chuẩn bị các chiến lược cần thiết để bảo vệ quần đảo này trước sự xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ. Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu cơ quan bảo vệ sức khỏe của chính phủ, bà Aalisha Sahukha, nhận định bệnh đậu mùa khỉ là một ví dụ về sự bùng phát một dịch bệnh khác lây lan trên toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước có sự kết nối chặt chẽ, Fiji cần có sự chuẩn bị để ứng phó trong trường hợp căn bệnh này bùng phát. Bà Sahukhan kêu gọi người dân cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này để có sự chuẩn bị và cách thức ứng phó phù hợp.

Cùng ngày, Bộ Y tế Fiji đã đưa ra Hướng dẫn Kiểm soát Phòng chống lây nhiễm (IPC). Bộ trưởng Y tế thường trực James Fong cho biết các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của chăm sóc y tế, trong đó có vệ sinh tay, sát trùng trong phẫu thuật, an toàn tiêm chủng, tình trạng kháng thuốc kháng sinh và cách thức hoạt động của bệnh viện trong và ngoài trường hợp khẩn cấp. Theo ông Fong, IPC sẽ cung cấp các hướng dẫn quan trọng góp phần hỗ trợ các quan chức y tế trong công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.