Quốc tế
Cơ hội hàn gắn quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc
Trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại với các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng và những cuộc phóng tên lửa đáp trả của liên minh Mỹ - Hàn, giới quan sát cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở thế thuận lợi hơn bao giờ hết để gác lại những tranh cãi về quá khứ và nối lại quan hệ hữu nghị.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: FT |
Tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) dự kiến ngày 29 và 30-6, giới quan sát chờ đợi một cuộc thảo luận ba bên giữa lãnh đạo Mỹ và hai nước đồng minh quan trọng nhưng cũng đầy sóng gió của họ tại Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu cuộc gặp này thành công hẳn sẽ tái định hình bản đồ ngoại giao ở Đông Á, đánh dấu một chương mới trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul vốn đã rơi xuống những điểm rất thấp trong lịch sử.
“Bây giờ hoặc không bao giờ”
Theo Reuters, kể từ cuối năm 2019, giới chức Tokyo và Seoul đã có nhiều trao đổi riêng nhằm thu xếp một cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội gác qua một bên những tranh cãi về quá khứ để tập trung ứng phó với các thách thức trước một Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy và một Triều Tiên đang nâng cao khả năng hạt nhân lên mức rất đáng kể.
Thực tế, việc thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian gần đây được xem là cơ hội cho việc làm ấm lại quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Tháng 4-2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (nhậm chức vào tháng 10-2021) nói rằng, cơ hội cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul là “lúc này hoặc không bao giờ”. Trở lại với một cuốn sách xuất bản năm 2020, ông Kishida từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác an ninh với Hàn Quốc khi viết: “Trong vấn đề đối phó với Triều Tiên, Nhật Bản không thể đơn phương hành động mà không có sự hợp tác của Hàn Quốc”.
Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol (nhậm chức vào tháng 5-2022) kêu gọi “sự tư duy lại” trong quan hệ hai nước và bản thân ông Yoon từng vận động tranh cử với cam kết sẽ cải thiện quan hệ song phương với Nhật Bản. Trong các trợ lý của ông Yoon có nhiều chuyên gia về Nhật Bản, trong đó có Ngoại trưởng Park Jin từng học tại Đại học Tokyo.
Ông Chun In-bum, cựu Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc, cho rằng Seoul và Tokyo cần tách bạch các vấn đề lịch sử cũng như xung đột kinh tế của họ với các lợi ích an ninh chung. “Chúng ta không thể giành thắng lợi trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mà không có Nhật Bản”, ông Chun nói, đồng thời lưu ý về tầm quan trọng của các sân bay và cảng biển của Nhật Bản trong việc tiếp cận sự hỗ trợ quân sự của Mỹ với Hàn Quốc. “Điều đó giống như một chiếc tàu sân bay không bao giờ bị đánh chìm, nó rất thiết yếu cho an ninh của Hàn Quốc”, ông Chun nói tiếp.
Không dễ dàng
Dù vậy, Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không dễ dàng. Tháng trước, trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Á, giới chức Mỹ cố ý thu xếp để có thể có cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, phía Nhật đã phản đối ý tưởng này vì còn muốn xem ông Yoon hành xử như thế nào khi chính thức tại nhiệm sau cuộc bầu cử căng thẳng.
Nhật Bản và Hàn Quốc không phải các nước thành viên NATO nhưng việc họ được mời dự họp thượng đỉnh NATO vào ngày 28 và 29-6 ở Madrid là một phần trong các nỗ lực của Mỹ nhằm gây dựng một liên minh để ứng phó với các thách thức an ninh đang gia tăng.
Theo Financial Times, nhiều quan chức và chuyên gia chính trị quốc tế thận trọng cho rằng, ngay cả cuộc gặp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn có thể diễn ra tại Madrid như kế hoạch, đó vẫn sẽ chỉ là điểm khởi đầu. Bởi lẽ, ông Kishida và ông Yoon đều có thể phải đối mặt với những luồng dư luận chỉ trích gay gắt nếu họ bị đánh giá là lảng tránh các vấn đề gai góc còn vướng mắc lâu nay giữa hai nước.
Mỹ, Nhật, Hàn ra tuyên bố chung về Triều Tiên Hãng tin Yonhap cho biết, trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp 3 bên tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 8-6, các Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, các vụ phóng thử tên lửa thời gian gần đây của Triều Tiên là hành động khiêu khích “nghiêm trọng, trái pháp luật”. Tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán và chấp nhận các đề nghị hỗ trợ ứng phó với Covid-19. Ba nước cũng cam kết tăng cường hợp tác an ninh 3 bên để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên, trong đó Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tái khẳng định các cam kết của Mỹ bao gồm mở rộng khả năng răn đe. |
TRẦN ĐẮC LUÂN