Quốc tế
Mỹ muốn tái gắn kết với Mỹ Latinh
Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu tái gắn kết với các nước láng giềng phía nam để xây dựng tầm nhìn chung sau nhiều năm Washington “bỏ quên” khu vực Mỹ Latinh này.
Cảnh sát tuần tra trên đường phố xung quanh Trung tâm Hội nghị Los Angeles trong lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và nhiều quan chức cấp cao của nước chủ nhà có mặt để đón chào các nhà lãnh đạo tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ diễn ra tại thành phố Los Angeles (bang California) từ ngày 7 đến 10-6.
Đây là lần thứ hai Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ kể từ hội nghị đầu tiên tại thành phố Miami, bang Florida, năm 1994. Tuy nhiên, Mỹ không mời Cuba, Venezuela và Nicaragua tham dự, tạo ra những tranh cãi trong những ngày qua, khiến một số quốc gia Mỹ Latinh dọa tẩy chay sự kiện.
Báo Los Angeles Times dẫn lời Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố không tham dự hội nghị trừ khi tất cả các quốc gia trong khu vực được mời. Thay vào đó, Mexico cử Ngoại trưởng Marcelo Ebrard tới dự. Lãnh đạo các nước Guatemala, Honduras và El Salvador cũng nói sẽ không tham dự.
Sự vắng mặt của ông Obrador đặt ra câu hỏi về tầm quan trọng của các cuộc thảo luận tại hội nghị về việc kiềm chế tình trạng di cư ở biên giới phía nam nước Mỹ - một vấn đề chưa được tháo gỡ và cũng là ưu tiên của chính phủ Tổng thống Biden. Đúng thời điểm hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ bắt đầu diễn ra, khoảng 6.000 người di cư, phần lớn là người dân ở khu vực Trung Mỹ, đã xuất phát từ thành phố Tapachula, bang Chiapas của Mexico, giáp biên giới với Guatemala, để tìm đường tới Mỹ. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người di cư Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ. Vì vậy, Tổng thống Biden mong muốn tìm kiếm các cam kết từ các quốc gia Mỹ Latinh nhằm hạn chế số lượng người di cư kỷ lục tại biên giới phía nam.
Theo Newsweek, hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ được tổ chức 3 năm một lần. Chính phủ Mỹ từng tuyên bố, đây là dịp “xây dựng một tương lai bền vững, kiên cường và công bằng” đối với các nước ở châu Mỹ. Lần này, Tổng thống Biden cũng muốn củng cố ảnh hưởng của Mỹ và tái gắn kết với các nước láng giềng phía nam để xây dựng tầm nhìn chung sau nhiều năm Washington lơ là khu vực này và Trung Quốc tận dụng cơ hội để gia tăng tầm ảnh hưởng. Nội dung nghị sự được cho là trải rộng nhiều vấn đề, từ hợp tác kinh tế, năng lượng, chống buôn bán ma túy đến vấn đề di cư... Tuy nhiên, từ lúc hội nghị chưa bắt đầu đã bộc lộ sự chia rẽ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh, qua đó phần nào cho thấy sức ảnh hưởng của Washington đang giảm ở một khu vực vốn tập trung các cường quốc.
Các nhà quan sát nhắc đến vai trò của Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Từ năm 2002-2019, thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh tăng từ 17 tỷ USD lên trên 315 tỷ USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn muốn nâng con số này lên 500 tỷ USD vào năm 2025.
Lúc ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, chính phủ của ông có cách tiếp cận cứng rắn với Mỹ Latinh, thậm chí áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số nước cũng như giảm tài trợ cho các tổ chức khu vực. Điều này khiến một số chính phủ xích lại gần Trung Quốc. Bắc Kinh đã xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Argentina, Brazil, Chile, Costa Rica, Ecuador, Mexico, Peru, Uruguay và Venezuela. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện là đối tác thương mại hàng đầu của các nước Nam Mỹ và lớn thứ hai đối với khu vực Mỹ Latinh nói chung, chỉ sau Mỹ.
Còn ông Biden, khi làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama, đã hướng đến chính sách gắn kết với Mỹ Latinh và cho rằng Washington nên tìm cách lấy lại vai trò đầu tàu ở khu vực để chống lại một Bắc Kinh đang trỗi dậy. Tuy nhiên, với rạn nứt lần này, chính phủ của ông Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cài đặt lại mối quan hệ với Mỹ Latinh.
PHÚC NGUYÊN