Cuộc bầu cử khó khăn với Tổng thống Macron

.

Nước Pháp ngày 19-6 bước vào vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội trong bầu không khí “nóng bỏng” do thời tiết nắng nóng bất thường, đồng thời do sự chạy đua sít sao, khó đoán giữa liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron và phe cánh tả. 

Cử tri bỏ phiếu ở thành phố Marseille của Pháp ngày 19-6. Ảnh: Reuters
Cử tri bỏ phiếu ở thành phố Marseille của Pháp ngày 19-6. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, cử tri đi bỏ phiếu chọn ra 577 nghị sĩ trong số 1.150 ứng cử viên. Các cuộc thăm dò cho thấy liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chiến thắng nhưng khó giành được 289 ghế trong Quốc hội để có thể dễ dàng thực thi các dự án cải cách quan trọng như giảm thuế và nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65.

Cuộc đua giữa phe trung dung và phe cánh tả

Chỉ vài tháng trước, Tổng thống Macron còn ủng hộ phe cánh tả khi nhà lãnh đạo này tìm cách tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Song giờ đây, liên minh trung dung “Cùng nhau” (Ensemble) của ông Macron (gồm các đảng Cộng hòa tiến bước, Phong trào Dân chủ và Những chân trời) đối đầu với khối cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES) của ông Jean-Luc Melenchon (gồm các đảng Nước Pháp bất khuất, đảng Xã hội, đảng Châu Âu sinh thái - Xanh và đảng Cộng sản Pháp).

Trong cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng 1, liên minh “Cùng nhau” giành được 25,75% số phiếu ủng hộ, trong khi NUPES đứng thứ hai với 25,66% số phiếu.

Báo New York Times cho hay, những người ủng hộ Tổng thống Macron mô tả chiến thắng của phe cánh tả sẽ là một thảm họa có thể hủy hoại nước Pháp. Phe cánh tả chỉ trích rằng, ông Macron và các đồng minh hoảng sợ vì đang mất dần quyền lực. Họ cáo buộc Tổng thống đương nhiệm dàn dựng các buổi chụp ảnh ở thủ đô Kiev khi ông nỗ lực làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, thay vì quan tâm đến cử tri Pháp.

Về phía Tổng thống Macron, sát ngày bầu cử Quốc hội vòng 2, ông vẫn dành thời gian đến Romania thăm quân đội Pháp ở sườn phía đông NATO, sau đó đến Kiev để gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Volodymyr Zelensky. Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy, cử tri Pháp quan tâm các vấn đề như chi phí sinh hoạt tăng, tác động của biến đổi khí hậu hoặc chăm sóc sức khỏe, hơn là cuộc xung đột Nga - Ukraine…

Khó đoán kết quả

Hôm 12-6, 52% số cử tri đã không đi bầu, tỷ lệ bỏ phiếu thấp nhất trong vòng đầu tiên của một cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp kể từ năm 1958. Vì vậy, theo New York Times, cả liên minh “Cùng nhau” lẫn NUPES đều tìm cách thuyết phục số cử tri này.

Kết quả thăm dò mới nhất do Viện Ipsos-Sopra Steria thực hiện cho thấy, các ứng cử viên của liên minh “Cùng nhau” sẽ giành được từ 265-305 ghế. NUPES có thể giành được từ 140-180 ghế. Xếp thứ ba là liên minh cánh hữu Những người Cộng hòa, Liên minh các đảng viên Dân chủ và Độc lập có từ 60-80 ghế. Xếp thứ tư sẽ là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia với 20-50 ghế. Số ghế còn lại dành cho những đảng phái khác.

Ông Jean-Daniel Levy, Giám đốc điều hành hãng thăm dò dư luận Harris Interactive nhận định, việc giành đa số ghế (ít nhất 289 ghế) sẽ rất khó khăn với Tổng thống Macron. Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp không thể bảo đảm cho ông Macron chắc chắn có thế đa số tại Quốc hội. Tuy nhiên, theo giới quan sát, liên minh cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon cũng khó giành đa số ghế dù gặt hái kết quả tốt trong bầu cử vòng 1.

Kết quả cuộc bầu cử sẽ thiết lập cán cân quyền lực cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron. Theo NBC News, ông Macron cảnh báo một cuộc bầu cử bất phân thắng bại, hoặc rơi vào tình trạng Quốc hội “treo”, sẽ khiến nước Pháp gặp nguy hiểm.

Nếu không nắm được đa số, ông Macron sẽ phải đàm phán với các đảng phái khác - nhiều khả năng là đảng Những người Cộng hòa - để thành lập liên minh. Nếu thất bại, ông sẽ phải chấp nhận một chính phủ thiểu số và đàm phán với các phe đối lập trên từng vấn đề, từng chính sách.

Xét trên phạm vi rộng hơn, nếu Tổng thống Macron không giành đa số ghế thì không chỉ ảnh hưởng đến nền chính trị của Pháp, mà còn tác động đến cả châu Âu. Bởi lẽ, trong bối cảnh như thế, ông sẽ phải dành phần còn lại của nhiệm kỳ để tập trung nhiều hơn vào chương trình nghị sự trong nước hơn là chính sách đối ngoại.

Kết quả vòng 2 sẽ được công bố vào tối 19-6 (sáng sớm 20-6, giờ Việt Nam).

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.