Động đất mạnh ở Afghanistan, ít nhất 1.000 người chết

.

Trận động đất mạnh 6,1 độ Richter xảy ra sáng 22-6 ở tỉnh Paktika, miền đông Afghanistan làm ít nhất 1.000 người chết và 1.500 người khác bị thương. Các nhà chức trách dự báo số người chết sẽ tiếp tục tăng.

Nhiều ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại ở tỉnh Paktika. Ảnh: AP
Nhiều ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại ở tỉnh Paktika. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, tâm chấn trận động đất ở độ sâu khoảng 51km, cách thành phố Khost, đông nam Afghanistan, khoảng 44km, nhưng thiệt hại nặng nề nhất xảy ra ở tỉnh Paktika lân cận.

Số người chết tiếp tục tăng

Ông Mohammad Amin Hazifi, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Paktika nói với BBC rằng, có tổng cộng 1.000 người chết và 1.500 người khác bị thương, nhiều ngôi làng bị phá hủy. Sharafuddin Muslim, quan chức ứng phó khẩn cấp của chính quyền Taliban tại Afghanistan, xác nhận những con số này, đồng thời cho biết đa số nạn nhân thiệt mạng ở tỉnh Paktika. Các nhà chức trách dự báo số người chết còn tăng cao do khu vực xảy ra là vùng núi xa xôi nên mất nhiều thời gian để tổng hợp các báo cáo về thiệt hại. Tại tỉnh Khost, nhiều tòa nhà bị hư hại và sự rung chuyển do động đất gây ra có thể được cảm nhận ở cả thủ đô Islamabad của Pakistan.

Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC) cho biết, khoảng 119 triệu người sống trong vòng 500km xung quanh tâm chấn, bao gồm tại Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ, đều nhận thấy sự rung lắc. Thủ đô Kabul của Afghanistan và thủ đô Islamabad của Pakistan cũng cảm nhận được những chấn động này, theo báo India Today.

Thông tin liên lạc tại những khu vực ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất bị gián đoạn. Trao đổi với BBC, một nhà báo địa phương cho hay, nhiều người không biết thông tin về người thân do điện thoại không hoạt động được.

Thủ tướng lâm thời của chính quyền Taliban ở Afghanistan, ông Mullah Mohammad Hassan Akhund, triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày 22-6. Ông Akhund yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan nhanh chóng đến khu vực bị ảnh hưởng động đất, sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để cứu nạn, bảo vệ người dân, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.

Giới chuyên gia cho rằng, trận động đất trùng thời điểm mưa gió lớn, khiến hàng trăm ngôi nhà được xây dựng tạm bợ dễ bị hư hại. Trận động đất xảy ra vào sáng sớm với độ sâu tâm chấn nông, dẫn đến con số thương vong cao.

Hàng loạt khó khăn

Thảm họa lần này là phép thử lớn đối với chính quyền Taliban ở Afghanistan, nắm quyền tại quốc gia Nam Á này hồi năm ngoái sau khi Mỹ rút quân kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm. Afghanistan đang đối mặt với hàng loạt khó khăn như cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19; thế giới chưa công nhận chính quyền Taliban; người dân bị hạn chế tiếp cận các nhu cầu cơ bản và cơ sở y tế.

Lực lượng cứu hộ được điều động đến hiện trường bằng trực thăng, nhưng công tác cứu hộ, cứu nạn khó khăn và phức tạp bởi nhiều cơ quan viện trợ quốc tế đã rời Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản chính quyền. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử các nhóm hỗ trợ và cung cấp thuốc, dịch vụ cứu thương cũng như đánh giá tình hình ở những khu vực thiệt hại. Một đại diện ngoại giao trong chính quyền Taliban cho hay, Afghanistan hoan nghênh sự giúp đỡ từ bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

Đại sứ quán Mỹ ở Kabul bày tỏ trên Twitter: “Chúng tôi vô cùng đau buồn vì các báo cáo về một trận động đất ở phía đông Afghanistan. Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch tàn khốc này”.

Tổng thống Pakistan Arif Alvi gửi lời cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng, những người bị thương và chia buồn với các gia đình mất người thân. Ông Alvi tuyên bố Pakistan sẽ sát cánh với người dân Afghanistan.

Theo Reuters, đây là trận động đất nghiêm trọng nhất tại Afghanistan kể từ năm 2002. Thời điểm đó, trận động đất mạnh 6,1 độ Richter cùng nhiều trận động đất liên tiếp ở khu vực đông bắc xa xôi của nước này đã làm ít nhất 1.000 người chết. Năm 1998, trận động đất 6,1 độ Richter và dư chấn của nó ở vùng cực đông bắc Afghanistan khiến 4.500 người chết.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.