Quốc tế
NATO sẽ "cài đặt lại" trong bối cảnh mới
Các nhà lãnh đạo phương Tây gặp nhau tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha từ ngày 28 đến 30-6 trong hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong nhiều thập niên qua.
NATO sẽ tăng quân số lực lượng phản ứng nhanh của khối lên hơn 300.000 quân nhân. Ảnh: DPA |
Cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine là bối cảnh thời sự đặc biệt khiến hội nghị thượng đỉnh NATO lần này trở nên quan trọng. Truyền thông quốc tế nhận định đây là hội nghị để liên minh quân sự gồm 30 thành viên ngoài việc bày tỏ tinh thần đoàn kết hơn trong tình hình nhiều bất ổn còn hoạch định những chiến lược lâu dài cho tương lai.
NATO sẽ “âu hóa” hơn?
Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, tại Madrid, lãnh đạo các nước thành viên dự kiến công bố phương án đổi mới chiến lược quốc phòng của khối theo hướng chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tạp chí Time cho rằng, hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung tăng cường sự hỗ trợ quân sự của NATO ở Đông Âu, tái khẳng định quan điểm hỗ trợ Ukraine và bàn cách ứng phó với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Giới chuyên gia bình luận cùng Time rằng, với tình hình chiến sự tại Urkaine, hội nghị sẽ giúp EU có cơ hội nắm thế dẫn dắt trong việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Âu, một vai trò về mặt lịch sử lâu nay nằm trong tay Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề nan giải, đáng kể nhất là Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Cùng với đó là kế hoạch cân bằng giữa ngân sách chi tiêu quốc phòng với ngân sách của các nước thành viên trước tình trạng lạm phát gia tăng và nỗi lo suy thoái kinh tế bao trùm.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, không chỉ lãnh đạo các nước thành viên NATO tham dự mà còn có thêm các “khách mời”, đặc biệt là lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển - hai nước nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18-5, chưa đầy 3 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo kế hoạch, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ dự hội nghị NATO qua kết nối video và có bài phát biểu. Trong các bài phát biểu trước đây, ông Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây áp trừng phạt mạnh tay hơn cũng như thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Mỹ và NATO từ chối vì lo ngại có thể làm lan rộng cuộc xung đột ra ngoài biên giới Ukraine.
Giới quan sát cho rằng, tại Madrid, các lãnh đạo NATO sẽ quyết định hỗ trợ quân sự mới và lớn hơn cho Ukraine, trong đó có việc hỗ trợ trang thiết bị, khí tài quân sự. Các nguồn tin trên tờ Time cho biết, NATO dự kiến công bố mở rộng quy mô của đơn vị phòng vệ và ứng phó khủng hoảng của tổ chức này (hiện có khoảng 40.000 quân) và tăng cường hiện diện quân sự tại các nước Đông Âu giáp biên giới Nga như Estonia, Latvia và Lithuania.
Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nói rằng, liên minh quân sự đang tính toán việc trang bị vũ khí tốt hơn để ứng phó với nguy cơ từ Nga. Một số chuyên gia của Time nhận định: Washington có thể nhân dịp này chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh với một số nước châu Âu (trước nay do Mỹ lo) cho EU.
Theo Giám đốc chính sách Ben Friedman tại tổ chức nghiên cứu Defense Priorities, Mỹ vẫn có mức chi tiêu quốc phòng lớn hơn mọi nước trong số 29 thành viên còn lại của NATO. Song, hồi tháng trước, Đức đã cam kết đầu tư 100 tỷ euro cho quân đội nước này và tăng mức chi tiêu quốc phòng để đạt mục tiêu 2% GDP như NATO đặt ra.
Ông Giuseppe Fama, người phụ trách các vấn đề EU tại tổ chức International Crisis Group, cho rằng hội nghị thượng đỉnh tại Madrid sẽ chứng tỏ NATO đang trở nên “châu Âu hóa” hơn, và việc tăng trách nhiệm của EU với NATO có thể là điều tích cực cho an ninh.
Tín hiệu “xoay trục” về châu Á
Lần đầu tiên lãnh đạo hai quốc gia Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, dù chỉ ở vai trò quan sát viên. Sự góp mặt của họ là tín hiệu cho thấy NATO không chỉ lo lắng về Nga mà còn quan ngại về những biểu hiện ngày càng quyết đoán hơn trên toàn cầu của Trung Quốc.
Cả Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lẫn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đều có lý do để tham dự hội nghị NATO. Tuần trước, ông Kishida nói với báo giới rằng, ông dự kiến sẽ nêu bật những quan ngại an ninh chung tại châu Âu và châu Á tại Madrid. “Nhật Bản là nước châu Á duy nhất trong G7, các năng lực ngoại giao của Tokyo đã được kiểm nghiệm”, ông nói.
GS. Mieko Nakabayashi tại Đại học Waseda ở Tokyo, một cựu nghị sĩ, cho rằng việc Thủ tướng Kishida tham dự cuộc họp NATO là một “bước ngoặt” đối với Nhật Bản, quốc gia vẫn đang chính thức thực thi hiến pháp hòa bình. “Người dân Nhật nhận ra thế giới đang thay đổi và nước Nhật có thể bị tổn thương”, bà Mieko Nakabayashi bình luận.
Giới quan sát nhận định, cấu trúc an ninh châu Á có thể đang trong quá trình thay đổi. Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la ở Singapore ngày 11-6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III nhấn mạnh thông điệp “chúng tôi không tìm kiếm một Chiến tranh Lạnh, một NATO châu Á, hay một khu vực bị chia thành nhiều khối thù địch”. Dù vậy, những biến động an ninh, chính trị thế giới cũng đang tác động mạnh mẽ tới những thay đổi về chiến lược an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực.
NATO tăng lực lượng chiến đấu lên hơn 300.000 quân Hãng tin AFP dẫn lời Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, khối quân sự này sẽ gia tăng các lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000 quân; đồng thời điều động thêm nhiều vũ khí hạng nặng, trong đó có các hệ thống phòng không, để bảo vệ các thành viên NATO ở sườn phía đông của liên minh. “Đây là đợt đại tu lớn nhất về năng lực phòng thủ và răn đe tập thể của chúng tôi kể từ Chiến tranh Lạnh”, ông Stoltenberg nói. |
TRẦN ĐẮC LUÂN