Quốc tế

G7 ứng phó hàng loạt thách thức

07:14, 27/06/2022 (GMT+7)

Cuộc xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, nguy cơ xảy ra nạn đói, ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức từ ngày 26 đến 28-6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau ngày 26-6. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau ngày 26-6. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo G7 (gồm Đức, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Canada và Mỹ) cùng khách mời là các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc và một số nước đối tác nhóm họp tại lâu đài Elmau thuộc bang Bavaria, miền nam nước Đức.

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ có những quyết định quan trọng… nếu chúng tôi hành động như một và với quyết tâm”. Một quan chức EU cũng nói rằng, thông điệp từ G7 sẽ là sự đoàn kết và phối hợp hành động.

4 nước G7 cấm nhập khẩu vàng từ Nga

Chủ đề trọng tâm được bàn thảo là cuộc xung đột tại Ukraine. Chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 là cơ hội để Thủ tướng Đức thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán khi ứng phó với các cuộc khủng hoảng như thế. Ông Scholz cam kết tiến hành cải cách chính sách đối ngoại và quốc phòng của Đức sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông cũng hứa hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Song, nhà lãnh đạo này bị chỉ trích rằng Berlin không hành động đủ nhanh và dứt khoát để hỗ trợ Ukraine sớm và nhiều hơn.

Sau những chỉ trích như thế, hôm 21-6, lô pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 của Đức đã tới tay binh sĩ Ukraine. Đây là loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Đức, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 40km. Ngoài ra, Berlin sẽ hỗ trợ Ukraine đạn, xe vận tải, túi ngủ quân dụng, giường bệnh, lều dã chiến và cả hệ thống phóng tên lửa MARS II.

Đáng chú ý, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 26-6 nói rằng, 4 cường quốc trong nhóm G7 gồm Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm thắt chặt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Hãng tin Reuters cho rằng, lệnh trừng phạt mới nhất này sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Trong những năm gần đây, vàng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sau năng lượng, đạt gần 19 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng xuất khẩu vàng toàn cầu vào năm 2020. Trong đó, 90% vàng xuất khẩu của Nga được đưa sang các nước G7.

Lôi kéo thêm đồng minh

Vấn đề thứ hai được các nhà lãnh đạo G7 cùng các đối tác đề cập là khủng hoảng kinh tế, giá năng lượng tăng cao. Sáu tháng trước, nền kinh tế toàn cầu đã sẵn sàng phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng giờ đây lại chìm ở đáy của một cuộc suy thoái.

Việc Tổng thống Senegal Macky Sall, người giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), đến dự hội nghị lần này cho thấy vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu có nguy cơ gây ra nạn đói tại châu Phi sẽ được G7 ưu tiên thảo luận. Các nước như Argentina, Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi được mời đến Đức cũng là dấu hiệu cho thấy G7 muốn có thêm đồng minh tham gia các cuộc cạnh tranh chiến lược với các đối thủ như Trung Quốc và Nga.

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng, ông mang sứ mệnh hòa bình đến Đức. Theo đó, lần đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh G7, ông Widodo sẽ kêu gọi các nước giàu có tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, đồng thời tìm giải pháp tức thời cho cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đề xuất hình thành một câu lạc bộ khí hậu cho tất cả những quốc gia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Ukraine từ bỏ việc gia nhập NATO

Ông Igor Zhovkva, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev chấp nhận rằng việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không còn được cân nhắc nữa và sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào để tham gia liên minh quân sự hiện gồm 30 thành viên do Mỹ dẫn đầu này.

VĨNH AN

.