Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào tối 6-6 (sáng sớm 7-6, giờ Việt Nam). Nếu không thể vượt qua, ông sẽ mất chức Thủ tướng và nội bộ đảng Bảo thủ phải chọn lãnh đạo mới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở London ngày 25-5-2022. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là thách thức chưa từng có trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Boris Johnson, bắt nguồn từ những bê bối tiệc tùng (partygate) hồi tháng 5-2020. Theo Reuters, thời điểm đó, nước Anh áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn Covid-19 lây lan, các sự kiện tập trung đông người đều bị cấm. Song, ông Johnson và một số quan chức cấp cao đã tụ tập, mở tiệc tại Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing.
Ngoài ra, các cuộc điều tra cũng cho thấy có một số bữa tiệc khác tại nhà số 10 phố Downing trong thời điểm Anh áp đặt lệnh phong tỏa.
Trong phiên chất vấn tại Nghị viện Anh chiều 12-1-2022, Thủ tướng Johnson lần đầu tiên thừa nhận đã tham dự bữa tiệc đông người nói trên và lên tiếng xin lỗi. Ông lý giải chỉ tham dự bữa tiệc trong khoảng 25 phút rồi trở lại làm việc. Nhà lãnh đạo Anh cũng nói rằng, ông nghĩ đây chỉ là một phần của buổi làm việc và bữa tiệc được tổ chức trong một không gian rộng lớn ngoài vườn của Văn phòng Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, sự biện minh của ông Johnson không thuyết phục được các nghị sĩ Anh. Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer chỉ trích ông Johnson đã cố tình che giấu sự thật, trốn tránh các cuộc điều tra. Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng công khai chỉ trích người đứng đầu chính phủ, đồng thời yêu cầu ông từ chức. Tháng 1-2022, các kết quả thăm dò dư luận hầu hết cho thấy, 2/3 số người Anh (66%) được hỏi bày tỏ mong muốn ông Johnson từ chức Thủ tướng. Thứ trưởng Tư pháp Anh David Wolfson đã nộp đơn từ chức vì không đồng ý với những gì xảy ra ở phố Downing.
Hãng tin Reuters cho biết, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào tối 6-6 sau khi số nghị sĩ đảng Bảo thủ không còn ủng hộ Thủ tướng Johnson đã vượt quá ngưỡng 15%. Đảng Bảo thủ hiện nắm 359 ghế trong Quốc hội. Nếu ít nhất 180 nghị sĩ trong cơ quan lập pháp này ủng hộ, ông Johnson sẽ an toàn để tiếp tục tại vị một năm nữa. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng, cuộc bỏ phiếu là cơ hội chấm dứt những đồn đoán, cáo buộc kéo dài và cho phép chính phủ của ông Johnson tiếp tục thực hiện những ưu tiên chính sách cho người dân.
Nếu thất bại, ông Johnson sẽ mất chức Chủ tịch đảng và đương nhiên mất chức Thủ tướng, nội bộ đảng Bảo thủ phải chọn lãnh đạo mới thay thế.
Hãng tin AP cho rằng, bất kể kết quả bỏ phiếu như thế nào, việc các nhà lập pháp yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là bước ngoặt đối với Thủ tướng Johnson. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của đảng Bảo thủ sau chưa đầy 3 năm ông Johnson lãnh đạo đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lớn nhất trong nhiều thập niên.
Tháng 1-2019, Thủ tướng Anh lúc đó là bà Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi kết quả bỏ phiếu về dự thảo Brexit ở Quốc hội ghi nhận 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận. Song, thất bại với Brexit, vài tháng sau đó, bà May tuyên bố từ chức, mở đường cho một cuộc bầu cử mới và ông Johnson trở thành Thủ tướng.
Theo Reuters, một số nhân vật đang nổi lên được xem có thể thay thế Thủ tướng Johnson nếu ông không vượt qua được cuộc bỏ phiếu, bao gồm: Ngoại trưởng Liz Truss (46 tuổi), cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt (55 tuổi), Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (42 tuổi), Bộ trưởng Giáo dục kiêm Bộ trưởng Vắc-xin Nadhim Zahawi (55 tuổi) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt (49 tuổi).
BÌNH YÊN