Quốc tế

Thế giới tuần qua: Xung đột Nga-Ukraine phủ bóng Đối thoại Sangri-La và Thượng đỉnh châu Mỹ

09:21, 12/06/2022 (GMT+7)

Trong tuần qua, thế giới nổi bật với 2 sự kiện lớn: Đối thoại Sangri-La diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 ở Singapore (châu Á) và Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 được tổ chức từ ngày 6 đến 10-6. Tuy nhiên, chương trình nghị sự của hai sự kiện lớn này đều bị phủ bóng bởi cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore, ngày 11/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore, ngày 11/6. Ảnh: Reuters

Xung đột Nga-Ukraine là chủ đề "nóng" tại Đối thoại Sangri-La

Trong 3 ngày từ 10 đến 12-6, khoảng 500 đại biểu từ 42 quốc gia - gồm hơn 60 bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao - có mặt tại khách sạn Shangri-La ở trung tâm thành phố Orchard Road để có các bài phát biểu, tranh luận và theo truyền thống là cả các cuộc trò chuyện riêng bên lề sự kiện. Trong một tuyên bố ngày 9/6, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết Đối thoại Shangri-La “đem đến một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề và sáng kiến quốc phòng-an ninh”.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức kể từ năm 2019 sau hai lần bị hoãn do đại dịch Covid-19. Mặc dù hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề an ninh châu Á, song cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm được thảo luận. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến và Kiev cũng gửi một phái đoàn đến dự cuộc họp, nhưng phía Nga sẽ không tham gia.

Ngày 11-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore. Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky kêu gọi thế giới chung tay chấm dứt cuộc xung đột, nếu không muốn tình trạng của Ukraine xuất hiện tại nhiều quốc gia khác. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ sự quan ngại rằng việc Nga phong tỏa Biển Đen sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thế giới.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lo ngại rằng những gì đang xảy ra ở Ukraine cũng có thể xảy ra ở Đông Á, nên cam kết Tokyo sẽ đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong việc chống lại bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực.

Theo tờ South China Morning Post, ngày 10-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin cũng đã thảo luận về vấn đề Ukraine trong cuộc hội đàm trực tiếp bên lề hội nghị. Một quan chức Mỹ cho biết hai lãnh đạo cũng đã thảo luận về vấn đề Ukraine. Trong đó, ông Austin nói rằng việc Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga để tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine gây “bất ổn sâu sắc”. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm khẳng định Trung Quốc không viện trợ quân sự cho Nga.

Với việc nguồn vốn quân sự và chính trị của Mỹ đã đổ dồn về cuộc chiến tại Ukraine, tại Diễn đàn Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là đang chịu áp lực phải thuyết phục các đối thủ của Trung Quốc ở châu Á rằng họ có thể dựa vào Mỹ. Elbridge Colby, cựu quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc, nhấn mạnh: “Họ nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn và thậm chí là nghiêm trọng. Thế nhưng dường như phần lớn sự chú ý và nguồn lực lại đang đổ dồn về châu Âu. Đây không phải là vấn đề về câu chữ, mà là vấn đề nói đi đôi với làm”.

Li Mingjiang, Giáo sư cộng tác với Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), bình luận: “Phía Mỹ sẽ tận dụng dịp này để chỉ trích quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Chúng ta sẽ được thấy một số kết luận về quan hệ đối tác Nga-Trung. Nhưng Trung Quốc sẽ bảo vệ mối quan hệ với Nga cũng như lập trường và chính sách của nước này trong vấn đề Ukraine”.

Cuộc khủng hoảng Ukraine chi phối hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 do Washington đăng cai tổ chức từ ngày 7 đến 10-6 tại Los Angeles, được là “cơ hội vàng” với Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Đây là lần thứ hai Washington đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ kể từ hội nghị đầu tiên tại Miami, bang Florida vào năm 1994. Theo Reuters và "The Washington Post", với việc tổ chức hội nghị lần này, Tổng thống Biden có mục tiêu tái gắn kết với các nước láng giềng phía Nam để xây dựng một tầm nhìn chung sau nhiều năm khu vực này bị phớt lờ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đã không tham gia hội nghị thượng đỉnh gần nhất ở Lima (Peru) vào năm 2018.

Tuy nhiên, việc Mỹ không mời Cuba, Venezuela và Nicaragua dự hội nghị với lý do các quốc gia này không dân chủ đã gây ra nhiều tranh cãi, khiến các quốc gia Mỹ Latin đe dọa tẩy chay. Ngày 6-6, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị trừ khi tất cả các quốc gia trong khu vực được mời.

Theo Politico.com, tại hội nghị, chính quyền Biden đã chỉ ra rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một phần của cuộc đụng độ lớn nhất thế giới và Nhà Trắng qua đó đã tìm cách tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt để chống lại Điện Kremlin. Tuy nhiên, sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo ở Mỹ Latin đối với nỗ lực trên của Mỹ không thống nhất.

Nhiều nhà lãnh đạo ở Mỹ Latinh mặc dù tuyên bố Nga đã sai khi tấn công Ukraine, song đồng thời họ cũng tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moskva. Nhiều nước trong khu vực từ lâu cũng nghi ngờ ý định của Mỹ và thường tránh liên kết với quốc gia láng giềng hùng mạnh của họ.

Theo nhận định của Tiến sĩ Rogelio Núñez Castellano và Carlos Malamud, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Mỹ Latinh tại Viện Hoàng gia Elcano, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ chín như một cơ hội để Mỹ Latinh nâng cao vị thế quốc tế của mình và để Washington khôi phục ảnh hưởng của mình và đưa ra một giải pháp thay thế cho sự phát triển ở bán cầu, nhưng nó đã bị lu mờ bởi những quan điểm khác nhau về triển vọng hiện tại, ảnh hưởng của đại dịch và gần đây nhất là cuộc xung đột ở Ukraine.

Trước sự kiện này, sự chú ý của Chính quyền Biden đã tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine và chương trình di cư, thay vì vào các vấn đề cấu trúc mà khu vực này phải đối mặt. Nhiều nước trong khu vực cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã là chất xúc tác cho sự chuyển đổi địa chính trị quốc tế và cho đến nay, mối quan hệ của Mỹ với Mỹ Latinh chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ đối với Chính quyền Biden. Điều này phần lớn có thể được giải thích bởi các sự kiện quốc tế, đáng chú ý nhất là đại dịch và xung đột Nga-Ukraine, mặc dù còn những lý do dài hạn khác.

Do đó, các nước khác trong khu vực nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ chín dường như đã chiếm vị trí thứ yếu trong chương trình nghị sự của Mỹ, vốn hiện đang tập trung vào vấn đề di cư và xung đột Nga-Ukraine. Sự hoài nghi của họ còn lan sang cả vấn đề về các lệnh trừng phạt.

Như Guillaume Long, cựu ngoại trưởng Ecuador, nêu rõ: “Rất nhiều người Mỹ Latinh cảm thấy và nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt được áp dụng theo cách có chọn lọc, chính trị hóa với nhiều tiêu chuẩn kép - về cơ bản, là một công cụ bá quyền của Mỹ, chứ không phải là một công cụ của công lý toàn cầu”, lưu ý rằng hầu như các nước ở châu Mỹ Latinh phản đối các biện pháp cưỡng chế kinh tế của Mỹ đối với Cuba và nhận thấy rằng người dân thường là những đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.

Theo Báo Tin tức

.