Quốc tế
Khó cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015
Việc Iran gỡ bỏ 27 camera giám sát các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này được cho là đòn giáng mạnh vào tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và nhóm P5+1 đã ký năm 2015.
Một thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lắp đặt thiết bị giám sát tại cơ sở uranium bên ngoài thành phố Isfahan của Iran. Ảnh: AP |
Hãng tin AP dẫn lời Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết Iran đang gỡ bỏ 27 camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân. Ông nói rằng, đây là thách thức nghiêm trọng đối với công tác giám sát của IAEA tại Iran và là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), bởi Tehran làm giàu uranium gần với cấp độ vũ khí hơn bao giờ hết.
IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Vienna (Áo) ngày 9-6, Tổng Giám đốc IAEA cho hay, tất cả thiết bị giám sát bổ sung của cơ quan này đã được lắp đặt theo JCPOA - thỏa thuận mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) năm 2015. Chỉ còn từ 3-4 tuần nữa là đến thời hạn chót khôi phục JCPOA. Theo ông Grossi, nếu không có các camera, Iran có thể chuyển các máy ly tâm làm giàu uranium đến các địa điểm khác chưa được công bố.
Việc gỡ bỏ 27 camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân diễn ra chỉ một ngày sau khi Hội đồng Thống đốc IAEA gồm 35 thành viên thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, cụ thể là nước này đã không lý giải được về các dấu vết uranium tại 3 cơ sở không khai báo. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6-2020 IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran, dù vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và Nga.
Trước lúc Hội đồng Thống đốc IAEA nhóm họp, Iran cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo đã tháo gỡ 2 camera giám sát và sẽ tiếp tục làm như thế, đồng thời cáo buộc IAEA không công nhận thiện chí của Tehran trong việc tiếp cận với cơ quan này.
Ngay sau khi có nghị quyết nói trên, Mỹ, Anh, Pháp và Đức thúc giục Iran “thực hiện các nghĩa vụ pháp lý và hợp tác với IAEA”. Còn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) khẳng định nước này đang tiếp tục tuân thủ thỏa thuận an toàn với IAEA. Người đứng đầu AEOI Mohammad Eslami cho hay, Iran không có bất cứ hoạt động hoặc địa điểm hạt nhân nào chưa được công bố.
JCPOA được các bên ký kết dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo đó, Iran phải hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran. Đáp lại, từ năm 2019, Tehran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận, làm dấy lên lo ngại thỏa thuận này sẽ sụp đổ.
Đàm phán vẫn bế tắc
Từ tháng 4-2021, Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA tiến hành một số vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận. Song, đàm phán vẫn bế tắc. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và giá lương thực toàn cầu tăng cao đang bóp nghẹt nền kinh tế ốm yếu của Iran, gây thêm áp lực lên chính phủ và người dân nước này.
Hãng tin NBC dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, lẽ ra Iran nên hợp tác hơn với IAEA. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh: Những hành động của Iran như “khiêu khích hạt nhân và giảm sự minh bạch” sẽ chỉ làm phức tạp những nỗ lực cứu vãn JCPOA.
Cuối tháng 5-2022, IAEA công bố một báo cáo rằng, ước tính tổng lượng dự trữ uranium đã làm giàu của Iran tính đến ngày 15-5-2022 là 3.809,3kg, tức nhiều hơn 18 lần giới hạn được quy định trong JCPOA. Cũng trong tháng 5, Mỹ cảnh báo sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt Iran nếu không đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Amir Abdollahian khẳng định, nếu Mỹ hành động “hợp lý” thì việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân trong đàm phán ở Vienna sẽ nằm trong tầm tay.
Thời gian còn lại chỉ 3-4 tuần là thách thức lớn đối với việc khôi phục JCPOA. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi các bên ngừng chính trị hóa vấn đề và tạo điều kiện để tiến trình đàm phán đi đúng hướng.
PHÚC NGUYÊN