Quốc tế
Tranh giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương
Khu vực Nam Thái Bình Dương (thường gọi là châu Đại Dương) - điểm nút giao thông kết nối châu Á với Bắc và Nam Mỹ - tổng cộng có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù có ít quốc gia và dân số không đông nhưng khu vực này không chỉ là nơi xung yếu trong cuộc chiến ngoại giao giữa hai bờ eo biển Đài Loan, mà còn là tuyến đầu trong cuộc đọ sức chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.
Hơn 10 năm qua, Trung Quốc sử dụng phương thức viện trợ tài chính để tranh giành ảnh hưởng thông qua thực hiện rộng rãi sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở Nam Thái Bình Dương. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Lowy (Úc), từ năm 2006 đến tháng 6-2016, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 1,781 tỷ USD viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương, đầu tư vào 218 chương trình viện trợ. Mặc dù tổng kinh phí viện trợ của Trung Quốc trong giai đoạn này không bằng Úc (7,703 tỷ USD) nhưng gần bằng mức viện trợ của Mỹ (1,89 tỷ USD). Đặc biệt, trong vài năm gần đây, Trung Quốc tìm mọi cách tiếp cận các nước Nam Thái Bình Dương qua việc đề nghị hiệp định mở rộng hợp tác an ninh và thương mại tự do. Cụ thể là Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một thỏa thuận an ninh bao gồm quần đảo khu vực với nền tảng hiệp ước song phương đã ký với quần đảo Solomon hồi tháng 4-2022.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến thăm quần đảo Solomon hôm 26-5 trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 10 ngày với các chặng dừng chân ở các quốc đảo Thái Bình Dương khác gồm: Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor. Trong cuộc họp chung của các ngoại trưởng 10 quốc đảo Thái Bình Dương tại Fiji ngày 30-5, Trung Quốc nói rằng sẽ công bố Tầm nhìn phát triển chung, bao gồm 10/14 quốc đảo ở khu vực này có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Trong một phát biểu với báo chí mới đây, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern “xem vùng Thái Bình Dương như căn nhà chung” và khi có những nhu cầu về an ninh của các nước trong khu vực, New Zealand sẵn sàng đáp ứng. Còn tân Thủ tướng Úc Antony Albanese cảnh báo Bắc Kinh “đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại khu vực mà Úc vẫn là đối tác hàng đầu về an ninh kể từ Thế chiến thứ hai tới nay”. Thủ tướng Albanese loan báo sẽ tăng cường hỗ trợ các nước Nam Thái Bình Dương, với khoảng 500 triệu đô-la Úc (AUD) trợ cấp đào tạo về quốc phòng, an ninh hàng hải và các cơ sở hạ tầng khác để chống các tác động của biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý là trong một bức thư gửi đến những người đồng cấp ở Nam Thái Bình Dương, Tổng thống Liên bang Úc Micronesia David Panuelo đã cảnh báo về một hiệp định mà theo ông, mới nhìn có vẻ rất hấp dẫn, nhưng thực tế có thể giúp Trung Quốc tiếp cận và kiểm soát khu vực này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh cáo các quốc gia Thái Bình Dương không nên có các thỏa thuận “mập mờ” với Trung Quốc. Nhà Trắng hoan nghênh việc Fiji trở thành thành viên sáng lập của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), đồng thời là quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên tham gia một kế hoạch của Mỹ mà mục tiêu là đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ở phương diện khác, nhiều quốc gia phương Tây chỉ trích viện trợ của Trung Quốc đang biến thành “bẫy nợ”. Điển hình, Tonga có mức nợ công là 2,3 tỷ USD, trong đó 60% là của Trung Quốc. Thủ tướng Tonga Akilisi Pohiva từng yêu cầu Trung Quốc xóa nợ. Hội nghị các ngoại trưởng Trung Quốc và 10 đảo quốc Thái Bình Dương tại Fiji cũng đã không nhất trí thông qua Hiệp định an ninh chung với Bắc Kinh bởi e ngại về “bẫy nợ” và các tác động khó lường khác.
Có thể nói, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, vùng Nam Thái Bình Dương nói riêng đang trở thành “đấu trường” quyết liệt giữa Trung Quốc với Mỹ cùng các đồng minh để tranh giành ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và quân sự.
TUYẾT MINH