Quốc tế
EU kích hoạt các giải pháp tiết kiệm khí đốt
Liên minh châu Âu (EU) sắp kích hoạt hàng loạt giải pháp tiết kiệm khí đốt để tránh rơi vào thế bị động khi đối diện với “cơn ác mộng” mất nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga vốn chiếm khoảng 40% nhập khẩu của châu Âu và là nguồn năng lượng thiết yếu cho “lục địa già”.
Châu Âu đang tìm cách cắt giảm tiêu thụ khí đốt để tạo nguồn dữ trữ cho mùa đông sắp tới trong bối cảnh nguồn cung từ Nga đang giảm. Ảnh: bne IntelliNews |
Sự tính toán của châu Âu là có cơ sở khi Nga thông báo bảo trì Nord Stream 1 (đường ống dẫn khí chính từ Nga sang châu Âu) từ ngày 11 đến 21-7 nhưng EU lo ngại việc ngừng hoạt động có thể kéo dài, đẩy kinh tế lục địa này vào tình trạng suy thoái như dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo hãng tin AFP, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thúc giục 27 nước EU thực thi biện pháp hỗ trợ tài chính cho các công ty cắt giảm sử dụng khí đốt; sử dụng viện trợ của Nhà nước để khuyến khích các ngành công nghiệp và nhà máy điện chuyển đổi nguồn nhiên liệu; xúc tiến chiến dịch tuyên truyền công chúng giảm bớt nhu cầu sưởi ấm, nhất là trong giai đoạn cao điểm từ tháng 10-2022 đến tháng 3-2023.
Cụ thể, EU kêu gọi cài đặt giới hạn mang tính ràng buộc về sử dụng năng lượng tại các khu công cộng, văn phòng, tòa nhà thương mại và không gian mở như sân thượng ngoài trời… Theo đó, trong tuần tới, 27 nước phải hạn chế sưởi ấm ở mức 19 độ C và để điều hòa không khí ở mức 25 độ C trong các tòa nhà công cộng để giảm bớt nhu cầu tiêu thụ khí đốt. EC cũng đề xuất thiết lập hệ thống bán đấu giá hoặc đấu thầu để bù đắp cho các công ty đồng ý giảm tiêu thụ khí đốt.
Các biện pháp mà Brussels đang tính toán nhằm hướng đến mục tiêu giảm mức tiêu thụ khí đốt của EU từ 25-60 tỷ m3/năm. EC nhấn mạnh: “Tình hình khí đốt ở EU đang ở thời điểm nghiêm trọng. Hành động ngay bây giờ có thể giảm tác động của việc gián đoạn đột ngột 1/3 lượng khí đốt cung cấp. Năng lượng tiết kiệm trong mùa hè có thể được sử dụng vào mùa đông sắp tới”.
Theo ước tính, việc giảm sử dụng hệ thống sưởi hoặc làm mát các tòa nhà sẽ giúp tiết kiệm 11 tỷ m3 khí đốt tự nhiên; giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện giúp tiết kiệm từ 4-40 tỷ m3, trong khi cắt bớt nhu cầu về khí đốt trong ngành công nghiệp giúp tiết kiệm thêm 10 -11 tỷ m3. Những đề xuất nêu trên sẽ là trọng tâm trong cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu vào ngày 26-7 tới tại Brussels (Bỉ).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức Joerg Kukies cho biết, nước này dự kiến trở thành cường quốc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong vòng 12 tháng. Nền kinh tế đầu tàu của EU đang tìm cách đẩy nhanh kế hoạch xây dựng 4 trạm nhập khẩu LNG mới, đáp ứng khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm; đồng thời đang đàm phán với Tập đoàn năng lượng Shell và các nhà cung cấp LNG chưa được tiết lộ khác về các hợp đồng cung cấp dài hạn.
Trang Foreign Policy dẫn lời ông Alex Munton, chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại Công ty Rapidan Energy Group (Mỹ), cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất từng xảy ra ở châu Âu. Châu Âu đang đối mặt với viễn cảnh rất thực tế là không có đủ khí đốt khi cần thiết nhất, đó là thời điểm lạnh nhất trong năm”. Trong khi đó, ngày 14-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết tương lai của Nord Stream 1 phụ thuộc vào nhu cầu khí đốt ở châu Âu và các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây đối với Nga.
Theo thông báo ngày 14-7 của Cơ quan quản lý mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur), giá khí đốt có thể tăng ít nhất gấp 3 lần trong năm tới, khi hiện nay một lượng nhỏ khí đốt được lấy ra nhiều hơn so với lượng được chuyển vào tích trữ. Nếu sự gián đoạn kéo dài, các chuyên gia cảnh báo khả năng xảy ra tình trạng “phân chia khẩu phần” khí đốt, ngừng hoạt động công nghiệp và thậm chí là sự đứt gãy kinh tế lớn.
THƯ LÊ