Quốc tế
Lạm phát tại Mỹ cao nhất trong hơn 40 năm
Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 6-2022 đã tăng vọt lên 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự tính ban đầu của các chuyên gia kinh tế là 8,8%. Đây cũng là mức tăng lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 11-1981, tức trong hơn 40 năm qua.
Trên toàn nước Mỹ, giá của các loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến với các gia đình như lương thực, thực phẩm, xe cộ, chi phí nhà ở, tiền điện… đều tăng rất nhanh trong thời gian qua. Ảnh: Zuma Press |
Giá xăng tăng cao là nguyên nhân chính gây ra mức tăng lạm phát này dù chi phí nhà ở và giá lương thực, thực phẩm cũng là những nhân tố có tác động đáng kể. Việc các chỉ số chứng khoán sụt giảm khi thị trường mở cửa ngày 13-7 sau khi thông tin lạm phát công bố tái khẳng định những dự báo cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.
Lo lạm phát kéo dài
Nhìn chung, với mức lạm phát kỷ lục này, giá của mọi hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong đời sống người dân Mỹ, gồm giá năng lượng, thuê lao động… đều chứng kiến mức tăng chóng mặt. Tháng 6-2022, giá bán lẻ xăng trên toàn quốc tăng lên mức trung bình 5 USD/gallon (3,785 lít) dù cũng có giảm đôi chút sau đó nhưng chưa đáng kể. Trong khi đó, giá dầu “leo thang” nhanh nhất, tăng 98,53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rõ ràng, những chỉ số tiêu cực về lạm phát gây sức ép rất lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ còn cách chưa đầy 4 tháng. Vật giá tăng chóng mặt là mối quan tâm cao nhất của nhiều người dân và chắc chắn tác động tới nhiều cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.
Giá cả tăng lên từng tháng trong khi niềm tin của người tiêu dùng lại giảm xuống mức kỷ lục. Báo Guardian dẫn kết quả khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, chỉ số tâm lý tiêu dùng (Index of Consumer Sentiment) trong tháng 7-2022 là 50, thấp hơn mức 58,4 của tháng 5-2022 và cũng là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Có nhiều nhân tố khiến giới quan sát lo ngại tình trạng lạm phát còn tiếp tục và kéo dài ở Mỹ. Các nguy cơ địa chính trị, chính sách phong tỏa khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc và xung đột tại Ukraine tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng mức độ lạm phát ở nhiều nước khác.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden công du tới Trung Đông để thảo luận về năng lượng với Saudi Arabia và các nhà lãnh đạo vùng Vịnh khác với hy vọng hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. “Giải quyết lạm phát là ưu tiên cao nhất của tôi - chúng ta cần có thêm tiến bộ, nhanh hơn nữa, trong việc kiểm soát các mức tăng giá cả”, Tổng thống Biden nói trong thông cáo được Nhà Trắng công bố ngày 13-7, trong đó nhấn mạnh, áp lực giá cả là “hiện tượng toàn cầu” chứ không chỉ riêng ở Mỹ.
FED sẽ sớm tăng lãi suất?
Lạm phát tăng cao tiếp tục làm “nóng” thêm những đồn đoán về việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể đẩy nhanh điều chỉnh mức tăng lãi suất lần nữa trong cuộc họp tới đây vào nửa sau tháng 7.
Tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích cho rằng, FED sẽ cân nhắc mức tăng lãi suất 1 điểm phần trăm. Giới chức FED đã từng có động thái như vậy khi tăng một lần tới 0,75 điểm phần trăm thay vì nửa điểm phần trăm sau khi chỉ số CPI được công bố ở mức 8,6% trong tháng 5-2022. Nếu FED nâng lãi suất thêm 0,75 hay 1 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới, khoảng lãi suất cho vay của FED sẽ tăng trong khoảng 2,25 - 2,50 điểm phần trăm.
Bất kể thông tin về chỉ số lạm phát mới nhất, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn chỉ ra những bước tiến gần đây cho thấy áp lực về giá cả có thể giảm bớt trong những tháng tiếp theo. Chẳng hạn, giá dầu thô Brent (được coi là tiêu chuẩn tham chiếu của giá dầu quốc tế) sau khi tăng lên gần 140 USD/thùng hồi đầu tháng 3-2022 trong lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tháng này đã giảm xuống dưới mức 100 USD/thùng. Giá lương thực toàn cầu tuy vẫn cao nhưng cũng được kéo xuống khỏi những mức kỷ lục đã xác lập trước đó, theo nhận định ngày 13-7 của tờ Financial Times.
Không chỉ riêng Mỹ, các nước khác như Singapore và Hàn Quốc cũng đang đau đầu bởi tình trạng lạm phát. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) ngày 14-7 thắt chặt chính sách, tạo điều kiện cho đồng dollar Singapore (SGD) mạnh hơn nhằm đối phó với tác động của việc tăng giá. Trước đó, Bộ Tài chính Singapore thông báo, khoảng 1,5 triệu dân nước này sẽ nhận được đến 700 SGD (khoảng 11,6 triệu đồng) tiền mặt mỗi người trong tháng 8-2022 để đối phó với lạm phát.
Tỷ giá đồng euro lần đầu tiên thấp hơn USD Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, tỷ giá đồng euro đã rơi xuống mức thấp hơn USD. Theo BBC, cụ thể vào 12 giờ 45 GMT ngày 13-7, tỷ giá trên thị trường giao dịch ngoại hối cho thấy 1 euro đổi 0,998 USD. Điều này một phần có thể vì tâm lý lo lắng việc Nga có thể hạn chế nguồn cung năng lượng cho châu Âu và gây suy thoái kinh tế cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, việc Ngân hàng trung ương châu Âu chậm tăng lãi suất hơn so với các ngân hàng trung ương khác cũng được cho là một nhân tố làm đồng euro suy yếu thêm. Đồng USD đã mạnh hơn trong những tháng qua nhờ việc FED tăng lãi suất và nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn giữ tài sản bằng đồng USD trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. |
LÂM PHONG