Quốc tế

WHO: Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

08:42, 14/07/2022 (GMT+7)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 vẫn là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”, sau gần 2 năm rưỡi từ khi mức cảnh báo cao nhất này được ban bố đầu tiên. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh SARS-CoV-2 đột biến nhanh chóng, sản sinh ra biến thể phụ siêu lây nhiễm khác của Omicron có nguy cơ lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

WHO kêu gọi đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, nhất là ở khu vực có nguy cơ cao, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp. TRONG ẢNH: Một người cao tuổi được tiêm vắc-xin tại một điểm tiêm chủng lưu động ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images
WHO kêu gọi đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, nhất là ở khu vực có nguy cơ cao, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp. TRONG ẢNH: Một người cao tuổi được tiêm vắc-xin tại một điểm tiêm chủng lưu động ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho rằng, tình trạng số ca bệnh gia tăng, sự phát triển phức tạp của virus và áp lực đối với các dịch vụ y tế ở một số quốc gia cho thấy Covid-19 vẫn là mối lo ngại lớn.

SARS-CoV-2 đang “tự do lưu hành”

Ngày 12-7, tại cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt. “Các làn sóng dịch mới một lần nữa cho thấy Covid-19 còn lâu mới kết thúc. SARS-CoV-2 đang tự do lưu hành”,  ông Tedros nhận định.

Người đứng đầu WHO chỉ ra 3 thách thức chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh. Trước hết, các chủng phụ của Omicron, gồm BA.4 và BA.5, tiếp tục thúc đẩy làn sóng lây nhiễm khi số ca mắc, nhập viện và tử vong không ngừng tăng. Bên cạnh đó, công tác giám sát, bao gồm xét nghiệm và giải trình tự gene giảm đáng kể, khiến việc đánh giá diễn biến của dịch bệnh càng khó khăn. Cuối cùng, công tác chẩn đoán, điều trị và tiêm vắc-xin không được triển khai hiệu quả.

Theo The New York Times, sau một thời gian suy yếu, Covid-19 có xu hướng tăng trở lại ở phạm vi toàn cầu kể từ tháng 6-2022. Bốn khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng nhiều nhất là Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á và châu Mỹ. Đợt bùng phát mới nhất chủ yếu do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 gây ra với khả năng lây truyền cao hơn. Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật hệ thống tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, thế giới ghi nhận trung bình hơn 930.000 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 37% trong 2 tuần qua và hơn 1.700 trường hợp tử vong, tăng 18%.

Không thể chủ quan

Biến chủng mới BA.2.75 - “thế hệ thứ hai” có nguồn gốc từ dòng phụ BA.2 thuộc Omicron - làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bùng phát trở lại ở Ấn Độ với tốc độ lan truyền gia tăng theo cấp số nhân. Phòng thí nghiệm Bloom tại Viện nghiên cứu Fred Hutchinson (Mỹ) nhận định, BA.2.75 là “dị nhân” mang đột biến siêu lây nhiễm khi nó dễ dàng “né tránh” miễn dịch hình thành từ vắc-xin và các đợt nhiễm bệnh trước đó.

Đáng chú ý, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ghi nhận một trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến biến thể mới BA.5.2.1 “tiến hóa” từ dòng phụ hoàn toàn mới của BA.5. Việc phát hiện BA.5.2.1 ở Thượng Hải tiếp tục báo hiệu những phức tạp mà nước này phải đối mặt để theo kịp tốc độ của các đột biến mới cũng như chính sách “Zero Covid”. Nhiều thành phố ở nước này phải áp đặt các biện pháp mới, từ việc tạm dừng kinh doanh đến phong tỏa để ngăn chặn việc gia tăng các ca mắc mới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ ngày 12-7 cho biết, BA.5 chiếm 65% các ca mắc mới ở nước này trong khi BA.4 chiếm 16%. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét việc mở rộng điều kiện tiêm mũi vắc-xin tăng cường thứ hai cho người dưới 50 tuổi. Tại Úc, làn sóng dịch bệnh thứ ba ngày càng lan rộng và có khả năng đạt đỉnh trong 4 - 6 tuần tới. Giới chức y tế đã cho phép người từ 30 tuổi trở lên tiêm mũi vắc-xin thứ 4 từ ngày 11-7.

Tính đến ngày 13-7, số ca mắc mới ở Hàn Quốc lên đến hơn 40.000 ca - con số kỷ lục trong 2 tháng qua, chủ yếu do biến thể BA.5. Song, quốc gia Đông Á này không ban hành các lệnh giãn cách xã hội để chống dịch. Đỉnh dịch trong đợt bùng phát lần này sẽ rơi vào khoảng tháng 8 đến 10-2022 với số ca mắc mỗi ngày có thể sẽ lên đến 100.000 - 200.000. Chính phủ đang tổ chức tiêm vắc-xin mũi 4 cho người dân trên 60 tuổi và những người có bệnh lý nền. Ngoài ra, du khách nhập cảnh vào nước này phải làm xét nghiệm kháng nguyên PCR trong vòng 3 ngày đầu tiên kể từ thời điểm nhập cảnh.

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Y khoa Saint Louis (Mỹ) về tác động lâu dài của việc tái mắc Covid-19 cho biết, những người đã có kháng thể vẫn có nguy cơ tái mắc Covid-19. Đặc biệt, người mắc Covid-19 từ 2 lần trở lên có nguy cơ nhập viện cao hơn và gặp các biến chứng nghiêm trọng về phổi, đông máu, tim mạch, thần kinh… Theo Reuters, mùa thu đến, Mỹ sẽ công bố các công thức bào chế vắc-xin mới nhằm đối phó với các biến thể “sắp ra đời” của Omicron. Moderna và BioNTech-Pfizer đang “chung tay” nghiên cứu một loại vắc-xin có thể ngăn ngừa hai biến thể chỉ trong một mũi tiêm để sớm mang lại sự bảo vệ tốt hơn.

Trong khi đó, WHO nhấn mạnh: “Khi virus tấn công chúng ta, chúng ta phải đẩy lùi. Chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với lúc bắt đầu đại dịch với một số tiến bộ. WHO đặt ra “nhiệm vụ kép” cho các nước về tăng cường truyền thông nguy cơ của dịch bệnh và xây dựng lòng tin của cộng đồng vào các công cụ y tế và các biện pháp chống dịch đã được áp dụng như đeo khẩu trang, cải tạo hệ thống thông gió, tăng cường xét nghiệm và đổi mới phương pháp điều trị. WHO cũng thúc giục công tác tiêm chủng ở những cộng đồng có nguy cơ cao nhất, rà soát những người chưa được tiêm chủng để xây dựng “bức tường miễn dịch” vững chắc, hướng tới mục tiêu 70% dân số ở các quốc gia được tiêm đủ liều cơ bản, khoảng 11 tỷ liều.

THƯ LÊ

.