Quốc tế
Lý do phương Tây 'gặp khó' trong việc áp giá trần với dầu mỏ Nga
Hợp pháp hóa dầu thô giá rẻ của Nga có thể thúc đẩy doanh số bán hàng cho Moskva và làm xáo trộn thông điệp về Ukraine.
Lãnh đạo các nước G7 tại hội nghị thượng định ở Đức. Ảnh: Politico.eu |
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã có tác động tiêu cực trong việc tăng lợi nhuận năng lượng với Nga, nhưng kế hoạch mới của G7 nhằm giới hạn giá dầu (áp giá trần) của Moskva có thể phản tác dụng.
Hôm 28-6, lãnh đạo của các nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới đã đưa ra một ý tưởng có vẻ tốt trên lý thuyết: Thuyết phục các quốc gia cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng tẩy chay dầu của Nga đồng ý chỉ mua với giá thấp nhất.
Theo đó, Moskva sẽ nhận được ít tiền mặt hơn và những người mua có thiện chí vẫn nhận được dầu thô giá rẻ trong khi nguồn cung dầu toàn cầu nói chung không giảm, có nghĩa là giá năng lượng không tăng đột biến.
"Chúng tôi đang làm việc để đảm bảo Nga không lợi dụng vị thế là một nhà sản xuất năng lượng để thu lợi với cái giá phải trả là các nước dễ bị tổn thương", tuyên bố của G7 viết.
Nhưng một kế hoạch như vậy sẽ phức tạp để thiết lập và khó thực thi.
Ý tưởng của G7 là cho phép Nga kiếm đủ tiền để tiếp tục xuất khẩu, nhưng quá ít để tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, việc áp giá trần không đơn giản như việc định giá - nó sẽ liên quan đến thị trường bảo hiểm, chuỗi phân phối dầu và một chiến dịch ngoại giao khổng lồ với những khách hàng mua lớn như Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngoài ra còn có nguy cơ dẫn đến hậu quả không mong muốn. Trong bốn tháng qua, các nhà lãnh đạo phương Tây đã phát hiện ra rằng việc tuyên bố hạn chế nguồn dầu của Nga - hoặc chỉ đe dọa làm như vậy - đã khiến giá dầu thô tăng vọt với dự đoán nguồn cung toàn cầu giảm, dẫn đến gây tổn thương kinh tế với các quốc gia tôn trọng lệnh cấm.
Trong khi đó, những khách hàng mua "thoáng" hơn - đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc - đã hưởng lợi từ việc mua dầu Nga do bị các nước đó tẩy chay, trong khi Moskva cũng thu về lợi nhuận kỷ lục, dù bán ít dầu hơn nhưng với giá tổng thể cao hơn, nên thu về nhiều lợi nhuận hơn.
Hạn chế giá thậm chí có thể khiến dầu giá rẻ được ủy quyền của Nga trở thành mặt hàng được săn lùng nhiều hơn, điều này đi ngược lại ý tưởng muốn kiềm chế Moskva cho đến khi họ rút khỏi Ukraine.
Brenda Shaffer, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: “Một khi đặt giới hạn giá đối với dầu Nga thì đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng dầu đó không phải là bất hợp pháp, đó là hợp pháp và không có hậu quả gì khi mua dầu Nga. Và nếu giá thấp hơn, dầu của Nga sẽ trở nên hấp dẫn nhất trên thị trường và đột nhiên Nga sẽ có nhiều khách hàng tìm đến".
Mặt khác, sẽ là không đủ nếu yêu cầu các sàn giao dịch năng lượng mở bán dầu thô của Nga với giá bắt buộc, bởi vì người mua và người bán có thể chỉ cần giao dịch riêng về dầu thô của Nga thông qua các hợp đồng bí mật.
Một trở ngại lớn khác đối với việc giới hạn giá là việc thu hút những người mua dầu thô của Nga - đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc - tham gia vào kế hoạch này. Một số quan chức cấp cao của EU thừa nhận giới hạn giá chỉ "hoạt động trong một số điều kiện nhất định" và Trung Quốc "cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng tham gia và rõ ràng là không có khả năng sẽ tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào với phương Tây".
Điều đó sẽ dẫn đến một thị trường ba cấp, theo chuyên gia Shaffer của Hội đồng Đại Tây Dương. Người mua sẽ lựa chọn giữa giá chuẩn toàn cầu bình thường, giá dầu thô Nga được ủy quyền thấp và cái mà Shaffer gọi là giá "thị trường vùng xám" cho các thùng dầu bị cấm của Nga với mức giá trung gian, được giao hàng và thanh toán bằng cách sử dụng các chiến thuật như Iran và Venezuela đã thực hiện để che giấu nguồn gốc của dầu.
Theo Baotintuc.vn