Đà Nẵng cuối tuần

Châu Âu có tiền cũng không mua được điện

15:01, 02/07/2022 (GMT+7)

Châu Âu sắp tới sẽ đối mặt với một mùa đông không có khí đốt của Nga. Tình trạng này có thể đẩy các nước “lục địa già” vào cảnh có tiền cũng không mua được điện.

Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy điện than RWE ở Niederaussem, bang Bắc Rhine-Westphalia (Đức). Ảnh: Reuters
Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy điện than RWE ở Niederaussem, bang Bắc Rhine-Westphalia (Đức). Ảnh: Reuters

Tập đoàn Gazprom của Nga đã giảm 60% lượng khí đốt vận chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) - tuyến đường ống chính dẫn sang châu Âu. Theo đó, nguồn cung tới Áo, Ý, Cộng hòa Czech và Slovakia giảm đáng kể. Nga cũng đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt sang Ba Lan, Bulgaria, Pháp và Hà Lan.

“Cơn sốt” củi

Liên minh châu Âu (EU) đang chạy đua để lấp đầy kho dự trữ khí đốt, chuẩn bị một mùa đông không có khí đốt của Nga. Đại sứ phụ trách An ninh Năng lượng Cộng hòa Czech tại EU Vaclav Bartuska cho biết, đất nước của ông sẽ “đốt bất cứ thứ gì có thể” để tạo ra nhiệt và điện phục vụ nhu cầu giữ ấm cho người dân nếu không bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt trong mùa đông tới.

Tại Latvia, trong những ngày này, nhiều người dân xếp hàng xin giấy phép thu gom cành cây thừa từ hoạt động đốn cây nhằm tích trữ củi. Theo Công ty quản lý hoạt động khai thác gỗ ở Latvia, số người xin giấy phép lấy củi miễn phí tăng gấp 5 lần trong tháng 5-2022 và lượng gỗ dư thừa từ hoạt động chặt cây mà người dân có thể sử dụng sẽ giảm trong thời gian tới. Việc nhiều người Latvia chuyển sang hệ thống sưởi và nấu ăn bằng củi theo kiểu truyền thống dẫn đến tình trạng thiếu hụt củi tạm thời trên thị trường.

Ba Lan cũng cho phép người dân kiếm củi trong rừng để giữ ấm cho ngôi nhà của mình. Đất nước Trung Âu này đang lâm vào tình trạng khan hiếm than sau khi cấm nhập khẩu than từ Nga.

Tại Đức, không những củi mà lò sưởi dùng củi cũng đang được bán chạy. Các nhà cung cấp lò sưởi dùng củi ở Đức nói rằng, do nguồn cung hạn chế nên họ khó bảo đảm tiến độ đơn hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Nền kinh tế lớn nhất của EU này nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu khí đốt và nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Chi phí năng lượng đắt đỏ tác động mạnh đến đời sống của người dân. Vì vậy, đương nhiên nhiều người phải tìm giải pháp để thích nghi với mùa đông lạnh giá sắp tới.

Giảm nhiệt độ, tắm ít

EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Vì vậy, khối gồm 27 thành viên khó có thể giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow ngay lập tức. Hơn nữa, giá nhập khẩu năng lượng đang tăng đột biến trên toàn cầu, giá than cao gấp 5 lần và giá khí đốt tự nhiên cao gấp 10 lần so với năm 2021 là bài toán khó đặt ra cho EU.

Thủ tướng Montenegro Dritan Abazovic mới đây cảnh báo việc cung cấp khí đốt của Nga bị gián đoạn và các nước đồng loạt chuyển sang sử dụng điện sẽ dẫn đến “sự sụp đổ năng lượng chung” ở châu Âu.

Đức, Áo, Ý và Hà Lan đã tuyên bố các kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc sử dụng than để tạo điện. Chính phủ Đức kêu gọi người dân tiết kiệm điện. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck khuyên người dân tắm ít hơn cũng như chuẩn bị quần áo dày hơn, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Tây Âu sẽ rơi vào cảnh có tiền cũng không mua được điện. “Mỗi kilowatt giờ (kWh) đều giúp ích trong tình huống này”, ông Habeck nói.

Hà Lan cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông. Thậm chí, nước này đang dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên.

Tại Úc, Cơ quan Điều hành thị trường năng lượng của nước này thông báo đóng cửa một số thị trường điện giao ngay thuộc khu vực miền đông hôm 15-6 và mở lại một phần từ tuần trước. Đây là điều chưa từng có ở xứ sở chuột túi. Giá bán buôn điện trong quý 1-2022 ở Úc tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái và chính phủ Canberra thúc giục các hộ gia đình cắt giảm sử dụng điện.

Vấn đề đặt ra là việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng như than và năng lượng tái tạo để bù đắp cho nguồn nhập khẩu khí đốt thiếu hụt có thể gây tác động đến môi trường. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, các quốc gia EU không nên sử dụng than để giải quyết khủng hoảng năng lượng mà bỏ qua mục tiêu cắt giảm khí thải.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, Brussels có các kế hoạch khẩn cấp để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn nguồn cung khí đốt, bao gồm tiết kiệm năng lượng và ưu tiên các nhu cầu cấp thiết. Bà thúc giục công dân EU giảm thêm 2 độ sưởi ấm hoặc sử dụng điều hòa ít hơn.

KHÁNH LINH (theo Reuters, Bloomberg, CNN)

.