Quốc tế
Tổng thống Nga thăm Iran "Quả ngọt" về kinh tế, ngoại giao
Chuyến công du tới Iran của Tổng thống Nga Vladimir Putin thu hút sự chú ý của dư luận Trung Đông và quốc tế khi nhà lãnh đạo Nga gặt hái thành quả tích cực trên một số “mặt trận chủ chốt”, từ nâng tầm quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với Iran cho tới đạt “tiếng nói chung” với các đối tác về triển vọng hòa bình tại Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại cuộc gặp ở Tehran ngày 19-7-2022. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Putin có các cuộc gặp song phương tích cực với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Tehran. Đồng thời, hội nghị thượng đỉnh 3 bên về vấn đề Syria được đánh giá hữu ích và thực chất trong bầu không khí chuyên nghiệp và mang tính xây dựng.
Thỏa thuận lịch sử
Theo PressTV, ngày 19-7, nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin, Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) ký “thỏa thuận lịch sử” 40 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu và khí đốt. Biên bản ghi nhớ bao gồm các dự án phát triển tại một số mỏ dầu và khí đốt của Iran, bao gồm dự án trị giá 10 tỷ USD tại các mỏ khí đốt Kish và North Pars nằm ở Vịnh Ba Tư cũng như dự án trị giá 15 tỷ USD nhằm tăng cường công suất tại Nam Pars, mỏ khí đốt lớn nhất nằm trên biên giới biển giữa Iran và Qatar. Ngoài ra, hai bên cũng chung tay hoàn thành các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt và các thỏa thuận hoán đổi giữa Iran và Nga liên quan đến khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ.
Giám đốc NIOC Mohsen Khojastehmehr cho biết, thỏa thuận với Gazprom là cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử của ngành dầu mỏ Iran, đồng thời lưu ý rằng nó sẽ chiếm 1/4 tổng khoản đầu tư được lên kế hoạch cho lĩnh vực dầu mỏ Iran cho đến năm 2025.
Truyền hình nhà nước Iran đưa tin, trong khuôn khổ cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng các nước nên loại bỏ dần đồng USD khỏi giao dịch thương mại toàn cầu, thay vào đó là sử dụng đồng nội tệ để giảm tác động từ những lệnh trừng phạt của Mỹ. Đài Sputnik dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Tehran và Moscow vạch lộ trình hạn chế sử dụng đồng USD trong quan hệ song phương và chuyển sang sử dụng SPFS - hệ thống tài chính riêng của Moscow. Tehran sẵn sàng chuyển đổi các giao dịch thương mại được thực hiện ở nước ngoài sang thương mại với Nga bằng đồng rial của Iran. Năm 2021, hai nước ghi nhận con số kỷ lục về giá trị kinh tế và thương mại song phương với hơn 4 tỷ USD.
Tiến đến “bình thường hóa” tình hình ở Syria
Theo hãng TASS, tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ theo định dạng Astana, 3 nước nhất trí phối hợp tiến đến việc “bình thường hóa” tình hình ở Syria sau một thập kỷ xung đột - qua đó góp phần khôi phục hòa bình và ổn định ở cả Syria và khu vực nói chung. Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, giảm căng thẳng, tăng cường viện trợ nhân đạo và xây dựng tiến trình chính trị cho Syria là những kết quả khả quan được ghi nhận tại sự kiện đáng chú ý này. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm tăng cường phối hợp, “cam kết mạnh mẽ về tuân thủ chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của quốc gia Trung Đông.
Theo đó, 3 bên xác nhận, xung đột Syria không có giải pháp quân sự và chỉ có thể được giải quyết bởi chính người Syria bằng con đường chính trị mà không cần áp đặt các mô hình từ bên ngoài. Về vấn đề này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ cuộc họp mới sớm nhất của Ủy ban Hiến pháp Syria tại Geneva.
Ngoài ra, 3 nước quyết tâm hợp tác chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, bác bỏ trừng phạt đơn phương chống lại Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho người Syria một cách minh bạch hơn. Dự kiến hội nghị thượng đỉnh 3 bên tiếp theo sẽ được tổ chức tại Nga và cuộc họp quốc tế lần thứ 19 về Syria sẽ được tổ chức trước cuối năm nay với sự tham dự của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Syria và phe đối lập, các quốc gia quan sát - Jordan, Iraq và Lebanon - cũng như đại diện của Liên Hợp Quốc. Với những bước đi nhượng bộ trong việc khơi thông xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, Nga mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ hoãn hoạt động quân sự như đã tính toán ở Syria nhằm dựng vùng đệm cách biên giới giữa hai nước 30km về phía nam.
Theo hãng RIA Novosti, chuyến thăm của Tổng thống Putin làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Iran trên tinh thần đôi bên cùng có lợi khi hai bên tự hào về “những con số kỷ lục về tăng trưởng thương mại” trong thời gian qua. Gần đây, Iran tham gia nhiều hơn vào hình thức hợp tác đa phương với Nga khi Tehran đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và có ý định tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Nói cách khác, hai bên đang hướng tới hợp tác chiến lược, cả song phương và toàn cầu.
Theo giới quan sát, chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga nhằm tạo đối trọng nổi bật với chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel và Saudi Arabia vào tuần trước vốn mang lại kết quả rất hạn chế, qua đó cho thấy một Moscow độc lập và mạnh mẽ với mong muốn không ngừng nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng quốc tế, bất chấp lệnh trừng phạt hà khắc từ phương Tây.
THƯ LÊ