Quốc tế
Đức tìm hướng đi mới để giải "cơn khát" năng lượng
Chuyến công du Canada của Thủ tướng Đức Olaf Scholz với kỳ vọng tạo đột phá trong hợp tác kinh tế song phương là bước tính toán đúng thời điểm trong bối cảnh Đức đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và lạm phát tăng vọt đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu bên bờ suy thoái.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu sau cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Elmau (Đức), ngày 27-6. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters, trong chuyến thăm Canada từ ngày 21 đến 23-8, Thủ tướng Scholz sẽ đến Montreal, Toronto và Stephenville ở phía đông đảo Newfoundland. Đây là chuyến thăm Canada đầu tiên của ông Scholz kể từ khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng vào cuối năm ngoái.
Hợp tác về sản suất năng lượng hydro
Một quan chức cấp cao của chính phủ Canada xác nhận với trang Politico rằng, hợp tác về năng lượng, trong đó có sản xuất hydro sạch và khoáng chất quan trọng, sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm của ông Scholz. Theo lịch trình, ngày 22-8, Thủ tướng Scholz tham gia đàm phán với người đồng cấp Canada Justin Trudeau tại Newfoundland về kế hoạch hợp tác phát triển năng lượng xanh. Tiếp đó, ngày 23-8, ông Scholz có bài phát biểu tại Hội nghị kinh tế Đức-Canada ở Toronto với chương trình nghị sự tập trung vào an ninh năng lượng, công nghệ tương lai và tự động hóa.
Theo Global News, Thủ tướng Scholz và người đồng cấp Canada dự kiến ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu về khả năng sản xuất nhiên liệu hydro để xuất khẩu sang Đức. Thỏa thuận nói trên sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển xuất khẩu hydro từ bờ Đông vào đầu năm 2025.
Đức đang đặt hy vọng vào nhiên liệu hydro vốn được giới chuyên gia nhận định là “một công nghệ thay đổi cuộc chơi” khi có thể làm nền tảng cho hạt nhân, cho khí đốt và cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Đức hiện không thể tự đáp ứng đủ nhu cầu trong nước do cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, vùng Đại Tây Dương của Canada gồm các tỉnh: Prince Edward Island, Nova Scotia, New Brunswick, và Newfoundland & Labrador được kỳ vọng là nơi có thể sử dụng điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh. Kế hoạch sản xuất hydro từ các nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn của Đức, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, gồm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chương mới trong hợp tác bền vững
Theo Euronews, dù lô hàng đầu tiên giao cho Đức có thể diễn ra trong vài năm tới, nhưng thỏa thuận nói trên đánh dấu chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu năm. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng cho thấy sự cương quyết của Đức muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu Nga trong lúc Moscow giảm mạnh nguồn cung khí đốt đến “lục địa già” khiến kinh tế Đức rơi vào tình thế hết sức khó khăn.
CTV News dẫn lời Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: “Đức và Canada là những người bạn thân thiết trên trường quốc tế. Tôi mong muốn được cho Thủ tướng Scholz thấy những gì Canada có thể cung cấp, đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, tạo việc làm và giúp tầng lớp trung lưu lớn mạnh ở cả hai quốc gia”. Thực tế, thỏa thuận về hydro cũng được xem là giải pháp “win-win” (cùng thắng) khi không chỉ có lợi cho Đức mà còn giúp Canada hướng tới mục tiêu trở thành một trong ba nhà xuất khẩu hydro hàng đầu thế giới trong vòng 30 năm.
Bên cạnh nhiên liệu hydro, Canada và Đức đang thảo luận xây dựng các thiết bị đầu cuối cho việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ Đại Tây Dương của Canada cho Đức và các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Jonathan Wilkinson cho biết, cung cấp hydro sạch cho Đức và châu Âu nói chung là cơ hội tốt hơn cho Canada so với việc cố gắng xây dựng các thiết bị đầu cuối cho LNG do chi phí vận chuyển khí đốt từ Alberta ở phía tây Canada đến Bờ Đông sẽ rất cao.
Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ Đức - Canada đang đi theo đúng hướng, khi gần đây Canada chuyển các tuabin đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đến Đức sau bảo trì. Chuyến đi cũng cho thấy tính toán của Berlin trong việc nhanh chóng thúc đẩy “các khoản đầu tư kinh tế và chính trị ở mức độ an toàn” với các đối tác tin cậy. Sau chuyến thăm của ông Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ thăm Canada vào tháng 9 để tìm kiếm giải pháp về an ninh năng lượng cho “lục địa già” nói chung.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel dự báo, tỷ lệ lạm phát tại nước này có thể tăng tới 10% trong những tháng tới. Tỷ lệ lạm phát hai chữ số được ghi nhận lần gần đây nhất ở Đức là cách đây hơn 70 năm. Tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 5, 6 và 7 lần lượt ở các mức 7,9%, 7,6% và 7,5%. Ông Nagel nhận định trong cả năm 2022, tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức trên 8%. Đối với năm 2023, lạm phát có thể cao hơn những đánh giá trước đây do “những nút thắt” về nguồn cung và căng thẳng địa chính trị. |
THƯ LÊ