Kinh tế châu Âu đứng trước những thách thức chưa từng có

.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, trong nhiều thập kỷ, Liên minh châu Âu (EU) và châu Âu nói chung chứng kiến nền kinh tế phát triển vững mạnh, cuộc sống của người dân an lành, giàu có, hạnh phúc nhất hành tinh. Tuy nhiên, sau 2 năm đối mặt với làn sóng Covid-19, và nhất là xung đột Nga-Ukraine, tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan, nền kinh tế EU đang đứng trước nhiều thử thách cam go.

Theo Eurostat, lạm phát của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức cao kỷ lục kể từ khi đồng euro được tạo ra vào năm 1999. Gần một nửa trong số 19 nước thành viên Eurozone ghi nhận lạm phát thường kỳ ở mức 2 chữ số. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, kinh tế EU có thể tăng trưởng với tốc độ 2,7% trong năm nay, thấp hơn 1,3% so với ước tính trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dù đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Dù mức lạm phát khác nhau, các nước EU đều cảm nhận rõ tác động khi giá năng lượng tăng vọt lên 41,9%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều lĩnh vực sản xuất phụ thuộc vào khí đốt cũng ngưng trệ do thiếu nguồn cung trầm trọng. Bà Caroline Bain, chuyên gia tại Công ty Tư vấn Capital Economics cho biết: “Cú sốc khí đốt ngày nay còn lớn hơn rất nhiều so với thách thức mà chúng ta trải qua vào những năm 1970 với dầu mỏ. ​​Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng từ 10 đến 11 lần trong 2 năm qua”.

Để giải bài toán năng lượng trước khi mùa đông đến, mục tiêu của EU là giảm mức tiêu thụ khí đốt hiện nay 15%, đưa lượng khí đốt tiết kiệm được vào kho dự trữ. Đây cũng là lý do Hà Lan sửa đổi luật, cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động hết công suất cho đến cuối năm 2023. Pháp, Đức và Áo cũng rục rịch tái khởi động các cơ sở sản xuất điện từ than đá. Thậm chí, một số nước EU đề nghị không thực hiện biện pháp trừng phạt Nga, hoặc bất chấp “lằn ranh đỏ” do EU đặt ra, để tiếp cận nguồn khí đốt của Gazprom.

Đáng chú ý, trong thông điệp gửi đến người dân sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè vào ngày 25-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, thế giới đang ở trong thời kỳ biến động mạnh mẽ. Pháp và châu Âu nói chung đang vật lộn với 2 cuộc khủng hoảng trầm trọng, lần lượt gây ra bởi biến đổi khí hậu và xung đột Nga-Ukraine.

Về mặt khí hậu, châu Âu đối mặt với thời kỳ hạn hán lớn nhất trong vòng 5 thế kỷ qua. Tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài khiến Pháp trải qua những vụ cháy rừng lớn nhất trong vài thập kỷ. Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, kinh tế Pháp và nhiều nước EU rơi vào tình trạng ảm đạm và đứng trước bờ vực suy thoái do giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Macron thốt lên: “Thời điểm chúng ta đang sống dường như được tạo nên bởi chuỗi các cuộc khủng hoảng, cái sau tồi tệ hơn cái trước. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang trải qua thời đại đảo lộn ghê gớm, không phải chỉ từ mùa hè năm nay. Thời kỳ no đủ dường như đã chấm dứt”?! Sự thừa nhận của ông Macron cho thấy, sự thịnh vượng của “lục địa già” đã đi qua bởi hàng loạt “bóng đen” từ biến đổi khí hậu đến xung đột Nga-Ukraine, qua đó tác động nghiêm trọng đến cỗ máy kinh tế và đời sống của người dân.

Giới quan sát nhận định, nếu EU không tích cực thúc đẩy tiến trình hóa giải xung đột ở Ukraine thì khối này sẽ chịu tác động tiêu cực do hàng loạt chính sách trừng phạt của các bên liên quan gây ra. Đồng thời, thực trạng này cũng tạo ra phản ứng dây chuyền khi các nước châu Âu lần lượt tái khởi động các nhà máy điện than-bước đi ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lượng khí phát thải mà chính mình theo đuổi lâu nay.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.