Quốc tế
Mỹ huỷ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng vào phút chót vì lỗi kỹ thuật
Ngày 29-8 (tối 29-8 theo giờ Việt Nam), Mỹ đã quyết định huỷ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng trong khuôn khổ sứ mệnh lịch sử Arrtemis1 vào phút chót vì lỗi kỹ thuật của tên lửa đẩy.
Tàu vũ trụ Orion tại bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy (Florida) ngày 29-8-2022. Ảnh: CNN |
Theo kế hoạch ban đầu, vào trưa 29-8 theo giờ miền nam của Mỹ, tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ bắt đầu sứ mệnh đầu tiên bay vào không gian, lần này không chở theo phi hành đoàn.
Đây là chuyến đi quan trọng trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 1 của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng, vốn đã bị trì hoãn rất lâu. Dự án hàng tỷ USD này được xem như bước đệm cho các sứ mệnh lên Sao Hỏa trong tương lai.
Tuy nhiên, kênh truyền hình CNN, hãng thông tấn AP đưa tin NASA đã lùi thời gian phóng tàu vũ trụ Orion sau khi phát hiện lỗi rò rỉ nhiên liệu. Sau đó, NASA quyết định hủy vụ phóng ngày 29-8.
AP dẫn lời quan chức trong nhóm phụ trách vụ phóng cho biết các chuyên gia kỹ thuật đã phát hiện lỗi kỹ thuật đối với một trong bốn động cơ. Quá trình kiểm tra cho thấy các động cơ số 1-2-4 hoạt động bình thường, song động cơ số 3 gặp sự cố rò nhiên liệu và tăng nhiệt.
Theo giới chức NASA, cơ quan này đã phải liên tục tiếp gần 1 triệu galon (1 galon = 3,78 lít) oxy và hydro siêu lạnh vào tên lửa SLS sau khi phát hiện rò rỉ nhiên liệu của tên lửa này. Việc tiếp nhiên liệu này đã bị chậm lại gần 1 tiếng đồng hồ do xảy ra cơn bão ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida.
Vết rò rỉ dường như xảy ra tại đúng vị trí từng phát hiện rò rỉ trong lần tổng duyệt vào mùa Xuân đầu năm. Tiếp đó, các kỹ sư NASA lại tình cờ phát hiện tình trạng rò rỉ thứ hai tại một van của tên lửa.
Ngoài ra, các kỹ sư NASA còn phát hiện một vết nứt hoặc một số lỗi tại tầng trung tâm của tên lửa - là một bình chứa nhiên liệu lớn màu cam với 4 động cơ chính trên đó, do có những vết lấm tấm bao quanh vùng nghi có vết nứt. Các kỹ sư NASA đã bắt đầu nghiên cứu giải quyết các vấn đề này.
Trong sứ mệnh sắp tới, tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng lên mà không có phi hành đoàn, rồi bay quanh quỹ đạo Mặt trăng trước khi trở lại Trái đất 42 ngày sau đó. Nếu thời tiết xấu hoặc xảy ra vấn đề kỹ thuật khiến phải lùi thời điểm phóng, NASA đã ấn định thời điểm phóng mới là 2-9 và 5-9.
Trong sứ mệnh Artemis 1, NASA phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa cực mạnh có tên Hệ thống phóng không gian (SLS). SLS, cao 98m, là một hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất của NASA được lắp ráp kể từ sau khi tên lửa đẩy Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972.
Uớc tính, NASA đã phải chi ít nhất 37 tỷ USD cho thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và các hệ thống vận hành dưới mặt đất liên quan tới tàu vũ trụ Orion và siêu tên lửa SLS trong hơn một thập kỷ qua.
Giám đốc NASA Bill Nelson đã ví chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis là "một động cơ kinh tế", đồng thời lưu ý rằng chỉ riêng trong năm 2019, chương trình này đã giúp gặt hái 14 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại và tạo việc làm cho 70.000 người tại Mỹ. Chương trình này không chỉ nhằm mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng để thiết lập căn cứ lâu dài, mà còn là tiền đề cho việc khám phá sao Hỏa.
Theo Báo Tin tức