Quốc tế
Triển vọng hồi sinh điện hạt nhân ở châu Á
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu và lo ngại gia tăng về biến đổi khí hậu, châu Á rục rịch kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp điện hạt nhân, qua đó thúc đẩy chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy hơn.
Nhật Bản lên kế hoạch tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 ở tỉnh Ibaraki được xây dựng gần 44 năm trước. Ảnh: Kyodo |
Nhật Bản và Hàn Quốc đang dần loại bỏ các chính sách chống hạt nhân, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chuẩn bị xây dựng các lò phản ứng mới để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong tương lai và hạn chế lượng khí phát thải. Ngay cả các nước đang phát triển ở Đông Nam Á cũng khám phá công nghệ này.
Xu thế chung
Theo Japan Times, trong lúc lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt do giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt và nguồn cung tiếp tục eo hẹp, các nước châu Á “để mắt” đến năng lượng hạt nhân như giải pháp cứu cánh. Nhật Bản, nước phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu để sản xuất phần lớn điện năng, lên kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới để bảo đảm sự tự chủ về năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Quyết định táo bạo này đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược năng lượng sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011. Theo đó, Tokyo sẽ tái khởi động 17/33 nhà máy điện hạt nhân từ mùa hè năm 2023.
Ông Keisuke Sadamori, Giám đốc văn phòng thị trường và an ninh năng lượng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết: “Đây là thông tin tốt và đáng khích lệ, cả về mặt an ninh nguồn cung năng lượng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Theo The Guardian, nước này đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 36-38% tổng sản lượng điện vào năm 2030, trong đó điện hạt nhân chiếm khoảng 20-22%.
Tương tự, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết nâng tỷ lệ điện hạt nhân lên 30% tổng sản lượng năng lượng, qua đó đảo ngược kế hoạch loại bỏ lò phản ứng hạt nhân của chính quyền tiền nhiệm. Nước này ấp ủ tham vọng trở thành nhà xuất khẩu lớn về thiết bị và công nghệ hạt nhân, đồng thời tích hợp năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo để thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon.
Trung Quốc cũng không đứng ngoài làn sóng dịch chuyển này khi tuyên bố đẩy nhanh tiến độ các dự án điện hạt nhân trong bối cảnh phải vật lộn với đợt nắng nóng lịch sử dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trên diện rộng. Nước này xúc tiến hình thành các lò phản ứng lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than.
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), Trung Quốc đang phát triển gần 24 gigawatt công suất điện hạt nhân, và có ý định bổ sung 34 gigawatt trong thời gian tới. Nếu hiện thực hóa tất cả kế hoạch này, nhiều khả năng nước này trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu thế giới.
Ở Ấn Độ, có khoảng 70% điện năng sử dụng than và khoảng 3% từ hạt nhân nhưng Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu tăng hơn gấp 3 sản lượng điện hạt nhân trong thập kỷ tới. New Delhi đang chuẩn bị phát triển 2 dự án điện hạt nhân lớn.
Ngay cả các nước Đông Nam Á cũng xem xét chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân sạch. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr vừa tuyên bố kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân để giảm chi phí điện năng và đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng. Indonesia cũng tiết lộ kế hoạch khởi động nhà máy hạt nhân đầu tiên vào năm 2045, qua đó hướng tới mục tiêu tham vọng về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Singapore cũng công bố, công nghệ địa nhiệt hoặc hạt nhân thế hệ tiếp theo có thể chiếm 10% tổng năng lượng của nước này vào năm 2050.
Lợi thế nổi trội
Theo hãng tin AP, năng lượng hạt nhân vẫn chứng tỏ sức hút đối với các nhà hoạch định chính sách và các công ty năng lượng khi xét đến một số lợi thế nổi trội của ngành công nghiệp này. Các nhà máy điện hạt nhân chỉ cần ít uranium để hoạt động trong khi trữ lượng của loại nhiên liệu này lại khá dồi dào. Hơn nữa, các nhà máy có thể vận hành sản xuất suốt ngày đêm, không giống như các dự án năng lượng tái tạo dễ bị gián đoạn như điện gió và điện mặt trời.
Bên cạnh đó, tiến bộ khoa học trong thập kỷ qua trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) với lợi thế riêng biệt. Loại lò phản ứng này có chi phí xây dựng thấp hơn và dễ lắp đặt hơn tại các khu vực xa xôi có cơ sở hạ tầng ít phát triển hơn.
Ông Sergey Brilev, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng toàn cầu, mô tả SMR là “nguồn năng lượng hùng mạnh để duy trì năng lượng cho các thành phố trong tương lai”. SMR có ít bộ phận cơ khí hơn một lò phản ứng truyền thống, hoạt động trên ít chất phóng xạ hơn, tạo ra ít nhiệt hơn và có thể họat động dưới lòng đất với hệ thống làm mát thụ động, qua đó chứng minh tính năng an toàn vượt trội so với nhà máy điện hạt nhân thông thường.
Ông David Hess, chuyên gia phân tích chính sách tại WNA cho biết: “Các nhà máy điện hạt nhân hiện đang sản xuất những loại điện có giá rẻ nhất. Những lợi thế kinh tế của điện hạt nhân càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tăng vọt”.
THƯ LÊ