Bi kịch lịch sử mà xứ sở Chùa Tháp phải hứng chịu ở thế kỷ XX là trong suốt 4 năm nắm quyền từ 1975 đến 1979, Khmer Đỏ đã phát động chiến tranh biên giới Tây Nam quy mô lớn, giết hại dã man hàng ngàn thường dân; đồng thời tiến hành xây dựng xã hội Campuchia theo mô hình “Công xã nhân dân” cùng với khẩu hiệu “thanh lọc dân tộc” thông qua “Cánh đồng chết” đã tàn sát gần 2 triệu người Campuchia.
Các tội ác của Khmer Đỏ được giới nghiên cứu, các chính khách và dư luận quốc tế đánh giá là man rợ hơn cả phát-xít Hitler bởi chúng đã tự hủy diệt chính dân tộc mình. Còn xét về tỷ lệ người bị sát hại trên tổng số dân của đất nước, mức độ diệt chủng của Khmer Đỏ cao hơn hẳn. Đã vậy, các đồ tể Khmer Đỏ còn áp dụng các biện pháp hành hình tàn bạo của thời trung cổ. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, những người yêu nước Campuchia đoàn kết, đứng lên lật đổ chính quyền Khmer Đỏ vào năm 1979 và lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.
Để đưa những kẻ phạm tội diệt chủng chống lại loài người ra trước ánh sáng, sau thời gian chuẩn bị, năm 2006, Liên Hợp Quốc và Chính phủ Campuchia lập Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot tại Campuchia (ECCC). Theo New York Times, lúc bấy giờ, Tòa án ECCC ra lệnh bắt giam hầu hết những thủ lĩnh cầm đầu của Khmer Đỏ còn sống. Đồng thời, tiến hành thẩm duyệt qua hàng trăm ngàn trang hồ sơ, triệu tập hàng trăm nhân chứng và lắng nghe chi tiết về cách thức Khmer Đỏ vận hành “Cánh đồng chết”.
Qua 2 phiên tòa xét xử vào năm 2014 và 2018, ngày 16-11-2018, ECCC kết án Khieu Samphan - người đứng đầu Nhà nước “Campuchia Dân chủ” thời chế độ Pol Pot - mức án tù chung thân vì tội ác diệt chủng đối với người Việt Nam, tội ác chống lại loài người và vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva và hợp nhất bản án này với bản án chung thân trong vụ án 002/01. Nuon Chea - nhân vật cấp cao thứ 2 trong thời kỳ Pol Pot cũng bị kết án tù chung thân và đã chết vào năm 2019. ECCC cũng kết án tù chung thân đối với Kaing Guek Eav, biệt danh là “Duch” - cai ngục nhà tù Tuol Sleng S-21. Ngoài ra, một số cựu quan chức khác của Khmer Đỏ cũng bị kết án trong các phiên tòa của ECCC. Còn các nhân vật khác như trùm thủ lĩnh Pol Pot, Ieng Sary và vợ của y là Ieng Thirith; Ta Mok…, đã chết trong quá trình điều tra đưa ra xét xử quá lâu.
Ngay sau khi ECCC ra phán quyết vào ngày 16-11-2018, ông Neth Pheaktra, phát ngôn viên của ECCC khẳng định: “Phán quyết ngày 16-11 là sự kiện lịch sử đối với ECCC, cho Campuchia, cho thế giới và cho cả công lý quốc tế”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ, ông Heather Nauert, nhấn mạnh: “Phán quyết này là lời cảnh báo đối với những kẻ gây ra tội ác tàn bạo trên quy mô lớn, kể cả những người có chức vụ cao nhất. Những tội ác này là không thể chấp nhận và thủ phạm phải bị đưa ra trước công lý”. Tuy nhiên, sau khi bị kết án, Khieu Samphan “kêu oan” và có đơn kháng cáo. Vì thế, ECCC sẽ tiến hành xử phiên phúc thẩm cuối cùng đối với kháng cáo của y vào ngày 22-9 tới. Theo kế hoạch, sau phiên xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao thuộc ECCC dự kiến đưa ra phán quyết cuối cùng vào quý 4-2022 và ECCC sẽ chấm dứt hoạt động.
Theo giới quan sát, phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ là “ngày phán xử cuối cùng” về nhà nước “Campuchia Dân chủ” thời chế độ Pol Pot, thủ phạm gây ra tội ác vô cùng man rợ cho dân tộc mình và nước láng giềng Việt Nam. Có thể nói, phán quyết đúng đắn sắp tới của ECCC sẽ mang tính lịch sử cho nhân dân Campuchia, cho lương tri của nhân loại tiến bộ. Đồng thời góp phần khẳng định tính chính nghĩa về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam tại biên giới Tây Nam vào năm 1979, cũng như sự giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia anh em trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ Khmer Đỏ và hồi sinh dân tộc của xứ sở Chùa Tháp.
TUYẾT MINH