Sóng gió liên tiếp bủa vây cựu Tổng thống Trump

.

Sau thời gian yên ắng kể từ khi rời Nhà Trắng đầu năm 2021, những ngày qua cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ “chiếm sóng” truyền thông với một loạt vụ việc liên quan tới pháp lý.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời văn phòng của Tổng chưởng lý New York tại Manhattan vào ngày 10-8 sau khi từ chối trả lời có tuyên thệ những câu hỏi của nhà chức trách. Ảnh: AFP
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời văn phòng của Tổng chưởng lý New York tại Manhattan vào ngày 10-8 sau khi từ chối trả lời có tuyên thệ những câu hỏi của nhà chức trách. Ảnh: AFP

Sau khi FBI bất ngờ khám xét tư gia tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida) hôm 8-8 về vấn đề xử lý tài liệu mật của Nhà Trắng sau khi mãn nhiệm, ông Trump còn bị Tổng chưởng lý New York, bà Letitia James, triệu tập thẩm vấn về các cáo buộc liên quan tới sai phạm trong hoạt động kinh doanh của gia đình ông.

Một tuần sóng gió

Ngày 10-8, ông Trump vận dụng các quyền công dân trong Tu chính án thứ 5 để không trả lời các câu hỏi thẩm vấn tại văn phòng Tổng chưởng lý New York. Buổi thẩm vấn ông Trump là một phần trong cuộc điều tra dân sự kéo dài hơn 3 năm của giới chức bang New York về việc liệu tập đoàn Trump Organization có lừa gạt các ngân hàng, hãng bảo hiểm hay các cơ quan thuế vì đã cung cấp cho họ những báo cáo tài chính sai lệch không.

Theo hãng tin Reuters, bà James đang dẫn đầu cuộc điều tra về việc liệu tập đoàn này có thổi phồng giá trị bất động sản để có được các khoản vay ưu đãi, cũng như hạ giá trị tài sản thấp hơn để được giảm thuế hay không. Trước đó, ngày 9-8, một tòa phúc thẩm liên bang cũng bác bỏ nỗ lực của ông Trump trong việc ngăn chặn một ủy ban Hạ viện tiếp cận các chứng từ khai thuế của ông.

Việc ông Trump vận dụng Tu chính án thứ 5 để từ chối trả lời có tuyên thệ đặt bà Letitia vào tình huống phải lựa chọn trước một quyết định quan trọng: hoặc bà sẽ đệ đơn kiện ông Trump, hoặc bà tìm kiếm thỏa thuận buộc ông phải nộp phạt số tiền lớn. New York Times cho rằng, dù lựa chọn im lặng lúc này của ông Trump có thể là lộ trình an toàn nhất cho ông nhưng nó có thể là yếu tố thúc đẩy bà James mạnh tay hơn trong vài tuần tới.

Chẳng hạn, nếu bà James (một thành viên đảng Dân chủ) nộp đơn kiện ông Trump, việc cựu Tổng thống Mỹ quyết định chọn im lặng có thể trở thành điểm bất lợi cho ông tại phiên xử. Trong một số vụ kiện dân sự, các thành viên bồi thẩm đoàn có thể nhận định việc bị cáo vận dụng Tu chính án thứ 5 để giữ im lặng như tín hiệu cho thấy họ đang giấu diếm điều gì. Tuy nhiên, trong các vụ án hình sự, các thành viên bồi thẩm đoàn được chỉ dẫn rằng, việc thực thi “quyền im lặng” của bị cáo không thể bị coi là yếu tố chống lại họ.

Theo đó, nếu bà James giành ưu thế trong phiên tòa xét xử dân sự, bà thẩm phán có thể áp đặt các mức phạt tài chính rất lớn với ông Trump, đồng thời hạn chế hoạt động kinh doanh của ông tại New York. Truyền thông Mỹ nhận định, các luật sư của bà James có thể tận dụng việc ông Trump từ chối trả lời các câu hỏi như một yếu tố “đòn bẩy” trong cuộc thương lượng tìm giải pháp dàn xếp để không phải ra tòa.

Dư luận Mỹ lại chia rẽ

Giống như những gì từng diễn ra trước và trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các vụ việc xảy đến với ông Trump tuần qua lại tiếp tục “chia đôi” nước này.

Tờ Financial Times cho biết, trong dư luận những người bảo thủ ở Mỹ, nổi giận dữ trước việc FBI đột kích tư gia ông Trump đang ngày càng lan rộng và tăng cấp độ. Những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ tuần hành trong ngày 9-8 để phản đối vụ khám xét. “Chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng, bất luận mọi chuyện thế nào”, ông Mark Harvey, một cư dân ở Florida thường câu cá ở các vùng nước quanh biệt thự Mar-a-Lago nói.

Không chỉ người dân, ngay cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng lên án mạnh mẽ động thái của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ. Theo CNN, một số nhân vật “chóp bu” của đảng Cộng hòa trong vài tháng qua từng cố gắng làm giảm “nhuệ khí” tranh cử Tổng thống năm 2024 của ông Trump thì giờ lại có vẻ đã đổi ý.

Trong 24 giờ kể từ lúc nhà ông Trump bị FBI đột kích, nhiều nguồn tin của CNN tiết lộ với đài này rằng, ông Trump đã nhận được làn sóng ủng hộ mới về việc nên khởi động chiến dịch tranh cử. Trong những tháng tới, ông Trump dự kiến tuyên bố khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo các cuộc thăm dò gần đây, ông Trump một lần nữa trở thành ứng viên yêu thích nhất cho vị trí này.

Trong khi đó, ngày 10-8, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông Christopher Wray lên án những lời lẽ đe dọa nhắm vào lực lượng thực thi pháp luật sau vụ khám xét nhà ông Trump là “tồi tệ và nguy hiểm”. “Bạo lực chống lại sự thực thi luật pháp không phải câu trả lời, bất kể là bạn không hài lòng với ai”, Giám đốc FBI nói.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.