Quốc tế

Tài phiệt Hàn Quốc được đặc xá: Bước đi xoa dịu khủng hoảng kinh tế

09:23, 13/08/2022 (GMT+7)

Ngày 12-8, giới kinh doanh tán dương quyết định của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về việc đặc xá cho người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác. Quyết định này dường như đã được đoán định trước, “dọn đường” cho các nhà tài phiệt được phục chức để có cơ hội góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế.

Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 20-5 tại Pyeongtaek. Ảnh: Getty Images
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 20-5 tại Pyeongtaek. Ảnh: Getty Images

Theo hãng tin Reuters, quyết định có hiệu lực vào ngày 15-8, đúng ngày Giải phóng Hàn Quốc. Ông Lee Jae-yong và Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin là những cái tên đáng chú ý trong danh sách gần 1.700 tù nhân được đặc xá.

Sự trở lại của “Thái tử Samsung”

Người hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định đặc xá là Phó Chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong. Trước đó, “Thái tử Samsung” bị kết án 2 năm rưỡi tù giam trong vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye và được phóng thích trước thời hạn vào tháng 8-2021, sau 18 tháng thụ án. Án tù của ông Lee kết thúc vào ngày 29-7 nhưng vẫn cần lệnh tha để ông được khôi phục tất cả quyền. Bởi lẽ, nếu không được đặc xá, ông Lee không thể trở lại làm việc trong vòng 5 năm kể từ khi mãn hạn tù theo Đạo luật trừng phạt nặng đối với tội phạm kinh tế của nước này.

Giới quan sát nhận định, dù quyết định đặc xá chỉ mang tính biểu tượng nhưng mở đường cho ông Lee có thể xử lý linh hoạt các kế hoạch kinh doanh với ít hạn chế pháp lý hơn, đồng thời báo trước một số khoản đầu tư khổng lồ từ Samsung - “gã khổng lồ” sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh số một thế giới.

Tháng 11-2021, Samsung quyết định chọn Taylor (bang Texas) làm địa điểm xây dựng nhà máy chip mới trị giá 17 tỷ USD. Số dư tiền mặt của tập đoàn này tăng nhẹ lên 95,13 tỷ USD vào cuối tháng 6. Ngày 28-7, Samsung Electronics công bố lợi nhuận quý 2-2022 tăng 12,18%.

Ngoài ông Lee, trong danh sách trên còn có Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin, Chủ tịch Dongkuk Steel Mill Co. , Ltd. Chang Sae-joo, cựu Chủ tịch STX Group Kang Duk-soo. Cựu Tổng thống Lee Myung-bak không có tên trong danh sách.

Sau khi quyết định đặc xá được công bố, lãnh đạo Samsung và Lotte bày tỏ “sự cảm ơn chân thành tới chính phủ và người dân Hàn Quốc” và “nguyện nỗ lực hết sức vì sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế”. Song, ông Lee đang vướng vào những rắc rối pháp lý, trong đó có cáo buộc thao túng giá cổ phiếu và gian lận trong kế toán. Cuộc chiến pháp lý của người kế nhiệm Samsung và giới công tố viên đang “chiếm sóng” thị trường tài chính toàn cầu.

Quyết định đúng thời điểm

Theo Yonhap, Tổng thống Yoon Suk-yeol hy vọng, quyết định đặc xá giúp ổn định sinh kế của người dân và đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Bộ trưởng Tư pháp Han Dong Hoon nói rõ: “Với nhu cầu cấp bách vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế quốc gia, chúng tôi đã lựa chọn cẩn thận các nhà lãnh đạo kinh tế dẫn đầu động lực tăng trưởng của đất nước, thông qua đầu tư công nghệ tích cực và tạo việc làm, để đặc xá”.

Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) hoan nghênh quyết định của chính phủ là bước đi đúng thời điểm trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á vật lộn với loạt thách thức đáng quan ngại, gồm lạm phát tăng vọt, nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Đặc biệt, việc đặc xá cho người thừa kế Samsung là sự công nhận xứng đáng về vai trò của “gã khổng lồ” này với tư cách là “người chơi chính” trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về chip. Kim Sei-wan, giáo sư kinh tế tại Đại học Ewha Womans (Seoul) cho biết: “Vì các mảng kinh doanh chính của Samsung đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và rủi ro nên những quyết định kịp thời của lãnh đạo cao nhất là rất quan trọng. Về mặt này, việc đặc xá có thể có tác động tích cực đến nền kinh tế”.

Song, quyết định đặc xá vẫn vấp phải chỉ trích từ đảng Công lý Hàn Quốc - đảng lớn thứ ba trong Quốc hội - khi họ cho rằng việc này là “sự sụp đổ của công lý” và làm dấy lên hoài nghi về khả năng hệ thống tư pháp nhẹ tay hơn với các “chaebol” - các tập đoàn gia đình trị. Còn đối với Tổng thống Yoon Suk-yeol, quyết định đặc xá những nhân vật chủ chốt trong giới tài phiệt cũng là bước đi nằm trong tính toán của mình trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức.

THƯ LÊ

.