Tham vọng trở lại mặt trăng sau 50 năm

.

Sau nhiều năm trì hoãn cùng với khó khăn về ngân sách, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng tàu thăm dò lên mặt trăng trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 1 bằng tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion, đánh dấu ước muốn chinh phục mặt trăng một lần nữa bằng công nghệ tối tân nhất sau nửa thế kỷ. 

Tên lửa của NASA cùng tàu vũ trụ được đặt tại tổ hợp bệ phóng 39B ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy (bang Florida) vào ngày 28-8, trước vụ phóng. Ảnh: Reuters
Tên lửa của NASA cùng tàu vũ trụ được đặt tại tổ hợp bệ phóng 39B ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy (bang Florida) vào ngày 28-8, trước vụ phóng. Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, NASA khởi động chuyến bay thử nghiệm không người lái quanh mặt trăng sắp tới từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ). Chuyến đi quan trọng này ấp ủ tham vọng đưa con người trở lại mặt trăng, qua đó tạo bước đệm cho các sứ mệnh lên sao hỏa trong tương lai. NASA cũng chốt thời gian phóng dự phòng vào các ngày 2 đến 5-9 sau việc trì hoãn cuộc thử nghiệm vào ngày 29-8.

Khởi động kỷ nguyên khám phá không gian mới

Theo kế hoạch, sau khi phóng từ trái đất, tàu Orion không chở theo phi hành đoàn, bay quanh quỹ đạo mặt trăng trước khi trở lại trái đất 42 ngày sau đó. Đáng chú ý, Orion dự kiến bay 64.000km phía ngoài mặt trăng, xa hơn 48.000km so với kỷ lục được lập bởi tàu Apollo 13 cách đây 50 năm. Đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA.

Artemis I sẽ tiến hành kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu hơn trong tương lai trở nên khả thi. Việc Artemis I hoàn thành sứ mệnh sẽ mở đường để các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình tiếp theo trong chương trình Artemis II và Artemis III lần lượt vào các năm 2024 và 2025.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Brian Perry, Sĩ quan Động lực học chuyến bay, người phụ trách quỹ đạo của Orion ngay sau vụ phóng cho biết: “Đây là hành trình hoàn toàn mới, với một tên lửa mới, tàu vũ trụ mới, trung tâm điều khiển mới”.

Theo đó, vì không có phi hành đoàn, tàu Orion sẽ được điều khiển từ trái đất thông qua Mission Control Center. Sứ mệnh Artemis cũng được xem là bài kiểm tra quan trọng của SLS-tên lửa mới mạnh nhất được NASA chế tạo, với lực đẩy gần 4 triệu kg, mạnh hơn 15% so với tên lửa Saturn V dùng trong sứ mệnh Apollo. SLS có thể chở tàu Orion ở tốc độ lên tới 36.370 km/h để thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất và tới mặt trăng. Theo chuyên gia của NASA, SLS là tên lửa duy nhất có thể phóng tàu Orion, phi hành đoàn và vật tư vào không gian sâu trong một lần phóng. Tuần trước, NASA công bố 13 bãi đáp tiềm năng xung quanh cực nam mặt trăng.

Lý do của sự trở lại

Theo CNN, cuộc thử nghiệm lần này cho thấy tham vọng lớn lao của NASA trong việc đưa phi hành đoàn đa sắc tộc, gồm những người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên, lên mặt trăng và lần đầu khám phá cực nam chìm trong bóng tối. Chương trình tốn kém này cũng hướng tới thiết lập khu định cư bền vững trên mặt trăng và tạo ra những hệ thống tái sử dụng cho phép con người chinh phục sao hỏa.

Hãng tin NPR chỉ ra các lý do khác thôi thúc NASA “ghé thăm” mặt trăng sau nửa thế kỷ. Theo đó, Artemis vén bức màn bí ẩn về những mẫu đá ở mặt trăng mà các phi hành gia Apollo mang về từ nhiều thập kỷ trước, qua đó thúc đẩy nghiên cứu khoa học về “địa hình địa chất hoàn toàn bất thường” ở vùng cực nam mặt trăng vốn chưa từng được thám hiểm, cũng như nguồn gốc của sự tiến hóa của hệ mặt trời.

Ngoài ra, Artemis hứa hẹn về sự hiện diện vĩnh viễn của con người trên mặt trăng và hình thành hoạt động thương mại ở đó trong tương lai. Cuộc thử nghiệm lần này của NASA cũng được kỳ vọng khơi mào làn sóng đổi mới về khoa học, công nghệ trong tương lai, đồng thời truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ các nhà khoa học.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định, cho dù cuộc thử nghiệm nói trên thành công, vẫn còn đó nhiều lo ngại về tính hiệu quả dài hạn của SLS do chi phí đắt đỏ. Với việc phải bỏ ra hơn 4 tỷ USD cho mỗi lần phóng, chương trình Artemis dự kiến tốn hơn 93 tỷ USD nếu tính toàn bộ các chi phí kể từ khi chương trình bắt đầu khoảng một thập kỷ trước cho tới nhiệm vụ hạ cánh lên bề mặt mặt trăng vào năm 2025.

Đến nay, chương trình SLS-Orion tiêu tốn ít nhất 37 tỷ USD, bao gồm thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và cơ sở vật chất trên mặt đất. Câu hỏi lớn đặt ra là NASA liệu có đủ khả năng tài chính để theo đuổi tham vọng lớn này không. Song, NASA vẫn ca ngợi Artemis là “động lực kinh tế lớn”, viện dẫn nguồn thu khổng lồ với 14 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại và tạo 70.000 việc làm cho người Mỹ trong năm 2019.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.