Đà Nẵng cuối tuần

Châu Phi tìm năng lượng sạch

14:21, 27/08/2022 (GMT+7)

Hiện 600 triệu người dân châu Phi sống trong cảnh không có điện, chiếm 48% dân số của “lục địa đen”. Vì vậy, châu lục này đang hướng đến năng lượng sạch để tăng cường khả năng tiếp cận điện và các nguồn tài nguyên sạch cho người dân.

Trạm năng lượng mặt trời Ouarzazate tại Maroc. Ảnh: Ejatlas
Trạm năng lượng mặt trời Ouarzazate tại Maroc. Ảnh: Ejatlas

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) vào tháng 11 tới (COP27) tại khu nghỉ mát Sharm-el-Sheikh ở Ai Cập là dịp để châu Phi tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm khởi động quá trình chuyển sang năng lượng sạch hơn. Hồi tháng 2, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các nước trên thế giới tăng tốc quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Cần thời gian dài và nhiều nguồn tài chính hơn

Các quan chức và chuyên gia khí hậu hàng đầu của châu Phi cho biết, việc tiếp cận năng lượng sạch hơn trong bối cảnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của “lục địa đen” tại COP27.

Trong mục tiêu “chuyển đổi năng lượng sạch”, châu Phi muốn tăng cường khả năng tiếp cận điện năng và các nguồn tài nguyên sạch cho hàng trăm triệu người dân. Ước tính khoảng 600 triệu người trong số 1,4 tỷ dân ở châu Phi sống trong tình trạng không có điện và khoảng 900 triệu người không có khả năng tiếp cận với nguyên liệu sạch phục vụ việc nấu nướng.

Song, theo một số chuyên gia, để cải thiện mức sống của người dân, châu Phi tạm thời phải tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch. Ông Harsen Nyambe, Giám đốc Môi trường bền vững và kinh tế xanh ở Liên minh châu Phi (AU) nói với hãng tin AP rằng, “lục địa đen” cần thời gian dài hơn và nhiều nguồn tài chính hơn để hướng tới năng lượng sạch nếu muốn đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ông Nyambe nhận định: Việc chuyển đổi như thế là điều tốt, đồng thời thúc giục nhìn vào thực tế trong bối cảnh châu lục này đang tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng với ít tài nguyên và đối phó với những tác động của khí hậu ấm lên.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu làm châu Phi dễ bị tổn thương. Vùng Sừng và phía đông châu Phi đang đối mặt với đợt hạn hán khắc nghiệt. Trong khi đó, các quốc gia phía nam châu Phi trải qua những cơn lốc xoáy chết người với tần suất ngày càng tăng.

Hướng đến mức phát thải ròng bằng 0

Nhiều quốc gia, nhất là những nước phát triển như Mỹ và châu Âu, đang hướng đến việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2070.

Với châu Phi, ông James Murombedzi - người đứng đầu Trung tâm chính sách Khí hậu của châu lục này nói rằng, nơi đây dù chiếm khoảng 17% dân số thế giới nhưng chỉ thải ra 3,8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, là nơi có tỷ trọng khí thải ít nhất. Theo ông Murombedzi, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, các quốc gia châu Phi sẽ phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khi bù đắp phần còn lại bằng các dự án hút carbon dioxide ra khỏi khí quyển. Thực tế, các dự án trồng cây đã mọc lên khắp lục địa như Công viên Lufasi ở Nigeria, các dự án hồi phục rừng ngập mặn của Mozambique… Hầu hết các dự án đều do tư nhân đầu tư nhằm tìm cách đối phó với các hoạt động gây ô nhiễm.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, chính quyền các địa phương vẫn chưa đủ kinh phí cho các dự án hấp thụ carbon lớn như vậy. “Áp lực đạt được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất lớn”, ông Nyambe nói.

Ông Nyambe khẳng định: Bất kỳ mục tiêu phát thải nào cũng nên đi kèm với các nguồn lực. “Không có năng lực, tài chính và công nghệ thì làm sao có thể chuyển đổi sang năng lượng sạch?”, ông đặt câu hỏi. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chính của LHQ, trong đó COP27 sẽ đóng vai trò quan trọng để giúp châu Phi khởi động quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Ông Linus Mofor, Cố vấn cấp cao các vấn đề môi trường tại Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Phi cho hay: “Châu Phi đang đón nhận một tương lai năng lượng sạch nhưng sẽ phải dựa trên nhu cầu và hoàn cảnh của mình. Hiện tại, việc sử dụng khí đốt tự nhiên vốn dồi dào ở lục địa là rất quan trọng”. Ông Mofor cho rằng, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể và châu Phi sẽ cần 2.000 tỷ USD để giải quyết việc chuyển đổi năng lượng từ nay đến năm 2030.

2.000 tỷ USD
là khoản tiền mà “lục địa đen” cần có để giải quyết việc chuyển sang năng lượng sạch từ nay đến năm 2030, theo ông Linus Mofor - Cố vấn cấp cao các vấn đề môi trường tại Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về châu Phi.

KHÁNH LINH (theo AP)
 

.