“Sóng ngầm” trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc không chỉ diễn ra trên biên giới đất liền trong nhiều thập kỷ qua mà ngày càng mở rộng với sự cạnh tranh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lực lượng hải quân Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận các cảng biển chiến lược của Sri Lanka và đưa tàu hải quân tới thăm một số cảng ở các quốc gia láng giềng của Ấn Độ, gồm cảng Chittagong (Bangladesh), Colombo (Sri Lanka), Male (Maldives) và Gwadar (Pakistan). Những năm gần đây, Bắc Kinh tăng tốc mở rộng nhà xưởng, đóng tàu chiến các loại, nhất là tàu sân bay, để gia tăng kiểm soát diện rộng trên biển, đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), cụ thể là “Con đường trên biến thế kỷ XXI”. Bắc Kinh ấp ủ tham vọng hạ thủy ít nhất 6 tàu sân bay vào năm 2035 và dự kiến triển khai 2 tàu sân bay trong số này tại Ấn Độ Dương.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến một Trung Quốc ngày càng tự tin và quyết đoán trên lộ trình tìm kiếm các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh lớn hơn. Do vậy, bên cạnh gia tăng hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ các tuyến vận tải hàng hải, Ấn Độ cũng củng cố đáng kể sức mạnh, tiềm lực hải quân nhằm gia tăng “răn đe chiến lược”. Đánh dấu cho bước ngoặc này là sau 17 năm nghiên cứu, chế tạo và kiểm nghiệm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố đưa vào biên chế tàu sân bay INS Vikrant trị giá hơn 2,5 tỷ USD tự đóng đầu tiên tại nhà máy đóng tàu Cochin cho lực lượng Hải quân, qua đó khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất hàng quốc phòng trong nước để cung cấp cho quân đội.
Phát biểu tại lễ thượng cờ tàu INS Vikrant vào ngày 2-9, ông Modi nhấn mạnh: “Đây là một ngày lịch sử và thành tựu mang tính bước ngoặt. Ấn Độ đã gia nhập danh sách các quốc gia có thể chế tạo tàu sân bay khổng lồ với công nghệ trong nước. Đó là biểu tượng về tiềm năng, tài nguyên và kỹ năng nội địa”. Ông Modi nói thêm: “Những lo ngại về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lâu nay chưa được chú trọng. Nhưng ngày nay, khu vực này là ưu tiên quốc phòng lớn của đất nước chúng ta”. Tàu INS Vikrant được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể khả năng hàng hải của quốc gia Nam Á này.
Theo Aljazeera, hạm đội hải quân của Ấn Độ hiện bao gồm 2 tàu sân bay, 10 tàu khu trục, 12 khinh hạm và 20 tàu hộ tống. Nước này hướng đến mục tiêu có hơn 210 tàu chiến và 458 chiến đấu cơ đến năm 2027. New Delhi cũng lên kế hoạch mở căn cứ không quân thứ 3 mang tên INS Kohassa trên quần đảo chiến lược Andaman - Nicobar tại Vịnh Bengal, với mục tiêu hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của máy bay giám sát tầm xa Ấn Độ. Ngoài ra, chính phủ cũng quyết định thành lập 3 phi đội không quân - hải quân tại các bang Gujarat và Tamil Nadu; đồng thời nhất trí tăng cường nhân lực, máy bay cho phi đội máy bay giám sát Dornier tại bang Kerala và quần đảo Andaman.
Ấn Độ hiện được đánh giá là cường quốc hải quân lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Anh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ấn Độ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức; đồng thời đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 đến năm 2030. Với tiềm lực kinh tế không ngừng được củng cố, nước Nam Á này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng nguồn lực thúc đẩy sức mạnh hải quân. Trong lúc Trung Quốc gia tăng hiện diện, ảnh hưởng trực tiếp tới địa vị số 1 của hải quân Ấn Độ ở khu vực Nam Á và cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược giữa “rồng Hoa, hổ Ấn”, New Delhi đang thúc đẩy năng lực “răn đe” trên biển để duy trì hòa bình, bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh hàng hải.
TUYẾT MINH