Đông Nam Á - trung tâm xuất khẩu mới của thế giới

.

Theo Bản đồ tăng trưởng thương mại DHL 2022, báo cáo mới về các xu hướng và triển vọng quan trọng nhất của thương mại hàng hóa toàn cầu do công ty chuyển phát nhanh quốc tế DHL vừa công bố, Đông Nam Á đang nổi lên như một trong những khu vực dẫn đầu thế giới về hoạt động thương mại.

Tàu chở hàng Sol Malaysia hoạt động ở một cảng tại Đông Nam Á ngày 16-9. Tàu chở hàng này cắm cờ Panama và đã hoạt động 26 năm theo dữ liệu của trang Vesselfinder.com.  Ảnh: Rtbf.be
Tàu chở hàng Sol Malaysia hoạt động ở một cảng tại Đông Nam Á ngày 16-9. Tàu chở hàng này cắm cờ Panama và đã hoạt động 26 năm theo dữ liệu của trang Vesselfinder.com. Ảnh: Rtbf.be

Báo cáo của DHL nhận định, tại Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines là hai nước dẫn đầu khu vực về tăng trưởng thương mại cả về quy mô cũng như tốc độ trong hiện tại và còn tiếp tục cho tới năm 2026. ASEAN có khả năng dẫn đầu toàn cầu về tăng trưởng xuất khẩu, ở mức 5,6% trong giai đoạn 2021-2026 theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Một điểm đáng chú ý mà báo cáo chỉ ra là ngay cả trong suốt thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục duy trì và những viễn cảnh dự báo về tăng trưởng thương mại toàn cầu được đánh giá là “tích cực đáng ngạc nhiên”.

“Ánh sáng cuối đường hầm”

Thương mại quốc tế trong lĩnh vực hàng hóa hiện tăng 10% so với mức trước Covid-19. Bất chấp xung đột tại Ukraine, trong hai năm 2022 và 2023, thương mại thế giới dự kiến tăng nhanh hơn một chút so với thập kỷ trước. Đó là nhận định tổng quát đáng chú ý trong báo cáo của DHL.

Báo cáo này được nhiều chuyên gia nhìn nhận như những tín hiệu tích cực đang rất cần với thế giới trong bối cảnh lo ngại về giá cả và lạm phát tăng vọt do tác động của dịch bệnh và xung đột tại Ukraine. Ông Kiran S. Pillai, chuyên gia về quản lý sản phẩm tại Kerala (Ấn Độ) bình luận trên LinkedIn rằng: “Rốt cuộc, chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy chút ánh sáng cuối đường hầm ở lĩnh vực thương mại. Các dự báo cho thấy thương mại sẽ tăng trưởng và đây sẽ là tin tức tốt lành cho nhiều ngành công nghiệp”.

Trong những năm qua, thương mại quốc tế đã đối mặt với rất nhiều thách thức: Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất cũng như vận chuyển hàng hóa, hệ quả từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khi hai bên tăng thuế quan áp lên nhau…, xung đột ở Ukraine giờ lại góp thêm biến cố vào tình trạng đứt gãy của thị trường thực phẩm và năng lượng toàn cầu.

Sự trỗi dậy của Đông Nam Á

Nhóm tác giả của báo cáo nói trên nhận ra nhân tố nổi bật phía sau những thay đổi tích cực của thương mại toàn cầu, đó là sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi như những “nhân vật trung tâm” của thương mại thế giới. Mức tham gia thương mại quốc tế của các nền kinh tế mới nổi đã tăng lên từ 24% năm 2000 lên 40% năm 2012 và tiếp tục duy trì như vậy hoặc cao hơn một chút.

Nhìn từ góc độ khu vực, sự dịch chuyển về phía đông của thương mại thế giới - và vai trò xoay trục của Trung Quốc trong xu hướng này - đã nâng tỷ lệ tham gia dòng chảy thương mại thế giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng từ 24% năm 2000 lên 33% năm 2021. Thương mại quốc tế còn tăng nhanh hơn nữa ở khu vực Nam và Trung Á với mức gần như gấp đôi, từ 2,3% lên 4,5% trong cùng giai đoạn đang đề cập, chủ yếu do Ấn Độ tăng từ 0,7% lên 2,2% cùng kỳ.

Khi đưa ra nhận định về tầm nhìn tăng trưởng thương mại trong thời gian tới, báo cáo của DHL cũng tham khảo thêm báo cáo Tầm nhìn kinh tế thế giới của IMF công bố tháng 4-2022. Theo đó, ba quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á gồm Việt Nam, Ấn Độ và Philippines được dự báo sẽ là những nước sẽ tiếp tục đà tăng trưởng thương mại quốc tế cả về quy mô cũng như tốc độ trong giai đoạn 2021-2026. Ba quốc gia này có cơ hội tận dụng được những ưu thế mới trong xu hướng nhiều công ty đa quốc gia muốn chuyển dịch chuỗi sản xuất, đa dạng hóa các chiến lược sản xuất cũng như nguồn lực của họ ra khỏi Trung Quốc. Dù quy mô kinh tế nhỏ hơn Ấn Độ, nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại của các quốc gia Đông Nam Á này hiện đã nhanh hơn. Tăng trưởng thương mại của Philippines được dự báo sẽ tăng gấp đôi, từ 5% lên 10% trong khoảng 5 năm tới.

Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có các nước Đông Nam Á, đang tiếp tục cạnh tranh trong cuộc đua hướng tới những giải pháp đổi mới sáng tạo hơn. Các nước này đang trở thành những nhà xuất khẩu quan trọng hơn của những sản phẩm đòi hỏi lượng chất xám cao hơn. Sự cạnh tranh giờ không còn chỉ là giá nhân công rẻ nữa mà còn là ở trình độ đổi mới sáng tạo và chất lượng sản phẩm.

Báo cáo về tăng trưởng thương mại thế giới 2022 của DHL được thực hiện trên cơ sở hợp tác với các chuyên gia Steven A. Altman và Caroline R. Bastian của trường kinh doanh Leonard N. Stern của Đại học New York (Mỹ). Báo cáo bao gồm các dữ liệu và nhận định về 173 quốc gia/vùng lãnh thổ.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.