"Hãy chấm dứt cuộc chiến với thiên nhiên"

.

Vài thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế dưới sự dẫn dắt của Liên Hợp Quốc (LHQ) tiến hành 26 hội nghị quy mô toàn cầu với các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) để đi đến các thỏa thuận giảm phát thải mạnh mẽ.

Tại COP26 ở Glasgow (Scotland) năm 2021, gần 200 quốc gia tham dự hứa tăng cường các cam kết về khí hậu năm 2022. Tuy nhiên, các nước giàu đã khiến dư luận quốc tế lo ngại khi cho biết sẽ không giải ngân 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 đến 2023 như đã cam kết để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng và thích ứng với thế giới đang ấm lên. Ngoài ra, những thỏa thuận về cắt giảm lượng khí thải, loại bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá hay giải pháp công nghệ xanh, tài trợ cho các nước nghèo để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu… vẫn chỉ là lời hứa.

Trong khi đó, thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt ở hầu hết các châu lục. Những tháng qua, khô hạn chưa từng có xảy ra ở Trung Quốc. Châu Âu cũng đối diện với thực trạng này khi phải ứng phó với nạn cháy rừng nghiêm trọng. Ở khu vực Nam Á, Pakistan vừa hứng chịu đợt lũ lụt chưa từng có trong lịch sử. Thảm họa này nhấn chìm hơn 30% lãnh thổ, khiến gần 1.400 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 33 triệu người, phá hủy 2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh, cuốn trôi 7.000km đường bộ và làm sập 500 cây cầu. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu nảy sinh từ xung đột Nga - Ukraine cũng khiến mục tiêu đề ra ở COP26 khó thực hiện. Do thiếu nguồn cung khí đốt, châu Âu buộc phải tái khởi động nhiều nhà máy điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch, kể cả phải dùng củi đốt để ứng phó với mùa đông sắp tới. Thậm chí, Đức tái trở lại một số nhà máy điện hạt nhân vốn bị “đóng băng” lâu nay. Nguy cơ này được dự báo kéo dài trong vài năm tới.

Trong chuyến thăm các vùng bị lũ lụt ở Pakistan ngày 10-9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ: "Pakistan và các quốc gia đang phát triển khác đang phải trả cái giá khủng khiếp cho sự bất chấp của các nước phát thải lớn tiếp tục trông chờ vào nhiên liệu hóa thạch". Người đứng đầu LHQ kêu gọi các nước phát thải lớn ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Trước đó, ông Guterres cảnh báo, cánh cửa ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu “đang đóng lại nhanh chóng”. Ông kêu gọi cắt giảm 45% khí thải năm 2030 và đạt trung hòa khí thải năm 2050 để đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo tinh thần của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiện, cam kết của các nước là chưa đủ và chính sách đối với biến đổi khí hậu vẫn còn khiêm tốn, qua đó làm dấy lên lo ngại về khả năng hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra với gần một nửa dân số thế giới.

Trong khi đó, ông Wael Aboulmagd, đại diện đặc biệt của Ai Cập, nước Chủ tịch Hội nghị COP27 diễn ra từ ngày 7 đến 18-11 ở Sharm el-Sheikh cho biết, nước này sẽ giữ vị trí trung lập trong khi tổ chức hội nghị nhằm khuyến khích các nước khác thực thi cam kết và thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển. Ai Cập đang nỗ lực khởi động khoảng 17 sáng kiến tình nguyện trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và quản lý nước với hy vọng khơi dậy ý tưởng và hành động để giúp các nước thực hiện cam kết. Trước đó, nước này khẳng định, châu Phi không chịu trách nhiệm về khủng hoảng khí hậu song phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực nhất trên các mặt trận kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị.

Các diễn biến trên cho thấy, một khi “cuộc chiến với thiên nhiên” còn tiếp diễn, thì hậu quả mang lại cho trái đất nói chung, các nước đang phát triển nói riêng, sẽ vô cùng thảm khốc khi tình trạng khô hạn ở Trung Quốc, châu Âu, hay lũ lụt ở Pakistan, Afghanstan… là minh chứng cụ thể nhất.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.