Từ đầu năm đến nay, Nga ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục với nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Việc nước này thu về gần 160 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là “điểm sáng” nổi bật trong cỗ máy kinh tế vốn đang xoay xở trụ vững trước các lệnh trừng phạt hà khắc từ phương Tây.
Các tàu chở dầu đi dọc theo Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) vào ngày 12-8. Ảnh: Reuters |
Lý giải về nguồn thu đáng nể của Nga trong bối cảnh bất lợi như vậy, giới chuyên gia nhận định, xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước dù sản lượng xuất khẩu năm nay của Moscow sụt giảm.
Nguồn thu giá trị lớn
Ngày 6-9, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho biết, trong 6 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, Nga thu về khoảng 158 tỷ euro từ xuất khẩu năng lượng; trong đó Liên minh châu Âu (EU) góp hơn một nửa. Theo CREA, EU là đối tác nhập khẩu lớn nhất của các nhà sản xuất nhiên liệu Nga, với giá trị 85,1 tỷ euro, theo sau là Trung Quốc (34,9 tỷ euro) và Thổ Nhĩ Kỳ (10,7 tỷ euro).
Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đóng góp khoảng 43 tỷ euro cho ngân sách liên bang của Nga trong giai đoạn 6 tháng này. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn báo cáo của bộ Kinh tế Nga cho biết, nếu khối lượng xuất khẩu dầu nhiều hơn, cùng với giá mặt hàng này vẫn ở mức cao thì doanh thu xuất khẩu năng lượng trong năm 2022 của Nga sẽ cán mốc 337,5 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2021. Tín hiệu tích cực này sẽ giúp củng cố nền kinh tế Nga trước làn sóng trừng phạt của phương Tây.
EU đã ngừng mua than của Nga, nhưng khối này chỉ đang từng bước cấm nhập khẩu dầu Nga và chưa áp dụng bất kỳ giới hạn nào đối với nhập khẩu khí đốt tự nhiên. Giờ đây, CREA kêu gọi phương Tây trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với xuất khẩu dầu của xứ Bạch dương, đặc biệt trong lĩnh vực vận chuyển toàn cầu. Theo đó, EU nên cấm sử dụng các tàu và cảng của châu Âu để vận chuyển dầu Nga đến các nước thứ ba, trong khi Anh cần ngừng cho phép ngành bảo hiểm tham gia vào các giao dịch thương mại trong lĩnh vực này. Ngày 2-9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế lợi nhuận của Moscow và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước “bão giá” năng lượng.
Theo đó, dầu Nga sẽ được mua với giá chiết khấu so với giá thị trường hiện hành. Đáng chú ý, Ấn Độ - đối tác chiến lược của Nga - cũng cân nhắc tham gia kế hoạch này. Dự kiến, EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển từ ngày 5-12 tới và các sản phẩm xăng dầu từ ngày 5-2-2023 nhằm chặn nguồn tài chính Nga cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nỗ lực duy trì doanh thu
Nga luôn trong tâm thế chủ động tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để duy trì nguồn thu khủng từ xuất khẩu dầu mỏ trong bối cảnh phương Tây toan tính kiềm chế nỗ lực của Nga trong việc đưa “vàng đen” đến đối tác mới. Ngày 5-9, các nước OPEC+, dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia và Nga, nhất trí giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10-2022 nhằm đưa giá dầu “tăng nhiệt” trở lại. Reuters nhận đinh, OPEC+ muốn giữ giá dầu trên ngưỡng 90 USD vì dù gì cũng “quen” với việc kiếm nguồn thu khổng lồ khi giá dầu ở mức trên 100 USD trước đó. Song, giới quan sát nhận định, ý định của nhóm này có nguy cơ phản tác dụng bởi có thể “tiếp tay” đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do giá năng lượng quá cao, từ đó vô hình trung khiến nhu cầu tiêu thụ lao dốc, dẫn tới giá dầu lại giảm mạnh.
Ngày 3-9, BBC đưa tin, dù sản lượng xuất khẩu dầu của Nga sang EU đã giảm kể từ khi xung đột ở Ukraine xảy ra nhưng khối này vẫn đang mua một lượng lớn đáng kể với hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đã trở thành những khách hàng lớn và hiện chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga. Sri Lanka, Myanmar gần đây cũng để ngỏ khả năng nhập dầu Nga.
Trong khi đó, ở lĩnh vực khí đốt, Nga cũng có những động thái mới cho thấy Moscow vẫn rất linh hoạt để duy trì xuất khẩu nguồn tài nguyên dồi dào này. Ngày 6-9, Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) cho biết, Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble và Nhân dân tệ (NDT) thay vì USD theo thỏa thuận đặc biệt mà hai bên vừa ký kết. Bước đi mới nhất này cho thấy Nga muốn nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, euro và các loại ngoại tệ mạnh khác trong lĩnh vực thương mại vào thời điểm đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Moscow Times, ông Alexei Miller, CEO của Gazprom ca ngợi bước chuyển bất ngờ về cơ chế thanh toán mới là “giải pháp win-win” (cùng thắng) đúng thời điểm và thiết thực, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ hơn. Theo Vedomosti, Gazprom đã giao 10,4 tỷ m3 khí đốt cho nước Đông Á này trong 6 tháng đầu năm nay. Tháng 7-2022, lượng khí đốt của Nga được chuyển đến Trung Quốc hằng ngày ở mức kỷ lục.
THƯ LÊ