Quốc tế
Nữ hoàng Elizabeth II qua đời: Sáng mãi niềm tự hào của nước Anh
Ngày 8-9 (giờ Anh) là thời khắc đau buồn đối với công chúng Anh và cộng đồng quốc tế khi Cung điện Buckingham báo tin về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II-biểu tượng và niềm tự hào lớn của nước này. Sau 96 năm cuộc đời và tròn 70 năm trị vì, Nữ hoàng đã tạo ra dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nước Anh và thế giới.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ngày 8-9 (giờ địa phương), hưởng thọ 96 tuổi. Ảnh: NDTV |
Theo đài BBC, tuyên bố của Cungđiện Buckingham nêu rõ: “Nữ hoàng đã qua đời tại Balmoral vào chiều 8-9”. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nữ hoàng hủy cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Cơ mật vì lý do sức khỏe.
Một cuộc đời lừng lẫy
Ngày 8-9, trong bài phát biểu tại London sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Thủ tướng Anh Liz Truss khẳng định: “Nữ hoàng Elizabeth II là tinh thần của nước Anh và sẽ bất diệt. Nữ hoàng đã giúp nước Anh trở thành quốc gia hiện đại, thịnh vượng và năng động”; đồng thời nhấn mạnh sự ra đi của Nữ hoàng là tổn thất to lớn, để lại khoảng trống lớn đối với người dân.
Theo BBC, dù không nắm thực quyền trong chế độ quân chủ lập hiến, Nữ hoàng vẫn là biểu tượng được người dân vô cùng tôn kính. Còn đối với cộng đồng quốc tế, bà là hiện thân của vương quốc này. Ngày 9-9, hàng nghìn người dân Anh, nhiều người trong số đó với gương mặt đẫm nước mắt, tới Cung điện Buckingham để tưởng niệm vị quân vương đáng kính.
Thời khắc Nữ hoàng qua đời cũng là lúc kích hoạt kế hoạch “Chiến dịch Cầu London” vốn được xây dựng suốt nhiều thập kỷ để chuẩn bị cho kịch bản Nữ hoàng qua đời, thậm chí được đích thân bà thông qua trước đó. Các sự kiện tưởng niệm và tiễn đưa bà sẽ được triển khai ít nhất trong 10 ngày tới.
Lãnh đạo nhiều nước, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nga, cùng Giáo hoàng Francis đã gửi lời chia buồn đến nước Anh. Không chỉ tại Anh, niềm tiếc thương cũng được ghi nhận tại nhiều nước khác. Ngày 8-9, chính phủ Mỹ ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang khác, trong khi Cuba và Brazil tuyên bố quốc tang để chia buồn về sự ra đi của Nữ hoàng. Quốc hội Úc tạm hoãn họp theo dự kiến trong tuần tới; Pháp không thắp sáng tháp Eiffel; Israel thắp sáng cờ Anh... để tỏ lòng tôn kính.
Nữ hoàng Elizabeth II - biểu tượng của sự trường tồn, ổn định và hòa giải - đã sống trọn vẹn một cuộc đời lừng lẫy khi bà chứng kiến một thế giới trải qua nhiều biến động và để lại di sản đáng nể về bảo đảm chế độ quân chủ trong nhiều thập kỷ. Giáo sư Vernon Bogdanor, chuyên gia về lịch sử Hiến pháp Anh cho biết: “Không một cường quốc nào khác đạt được điều đó ... và ở Anh, những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội đã được thực hiện một cách hòa bình và đồng thuận. Điều đó rất đáng chú ý”. Hoàng tử William, cháu nội của Nữ hoàng từng ca ngợi, bà đã giúp “hiện đại hóa và phát triển chế độ quân chủ theo cách riêng có”. Các nhà sử học cũng đồng quan điểm rằng, Nữ hoàng sử dụng quyền lực “mềm” và biến chế độ quân chủ trở thành tâm điểm thống nhất đất nước giữa những chia rẽ lớn trong xã hội.
Chào đón tân vương mới
Một ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, ngai vàng được truyền ngay lập tức cho người thừa kế - Thái tử Charles III. Nghi lễ diễn ra tại Cung điện St James (London) ngày 9-9, trước Hội đồng Đăng cơ. Tối cùng ngày, Quốc hội họp để tuyên thệ trung thành với nhà vua mới. Vua Charles III sẽ trở thành người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, hiệp hội gồm 56 quốc gia độc lập và 2,4 tỷ dân. Tân vương giờ đây phải đối mặt với cả hai thách thức lớn: nỗi đau mất mẹ và áp lực lãnh đạo đất nước do “cái bóng” quá lớn trước đây của bà. Thực tế, sự nổi tiếng của cá nhân Nữ hoàng là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Vương quốc Anh những năm gần đây. Hiện, kinh tế Anh với tư cách là một cường quốc tầm trung đang ở tình thế khó khăn và phải chống chọi với mùa đông khi giá năng lượng cao và lạm phát tăng vọt.
Theo Daily Record, nhiều thay đổi đối với cuộc sống hằng ngày của người Anh dự kiến diễn ra trong những tuần tới để chào đón Vua Charles III. Quốc ca của nước này sẽ chuyển thành “God Save the King” (Chúa phù hộ Quốc vương), thay vì “God Save the Queen” (Chúa phù hộ Nữ hoàng). Tất cả tiền mặt và tiền giấy đang lưu hành ở Anh và tem vốn mô tả khuôn mặt của Nữ hoàng sẽ được thay đổi bằng chân dung của vị vua mới. Các huy chương quân sự, hộ chiếu Vương quốc Anh... sẽ được cấp với tên mới của Nhà vua.
Nữ hoàng Elizabeth II chính thức lên ngôi ngày 2-6-1953 khi mới 27 tuổi dù bà bắt đầu trị vì nước Anh trước đó một năm, sau khi vua cha đột ngột qua đời. Nữ hoàng trở thành người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Trong thời gian Nữ hoàng trị vì, nước Anh trải qua 14 đời thủ tướng. |
THƯ LÊ