Trung Quốc - Nga xích lại gần nhau hơn

.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Trung Á tuần này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau 2 năm do Covid-19 và dự kiến có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vào ngày 4- 2.Ảnh: CNN
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vào ngày 4- 2.Ảnh: CNN

Theo truyền thông quốc tế, trong chuyến công du, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp các nhà lãnh đạo của các nước đối tác trong SCO, đặc biệt gặp trực tiếp Tổng thống Putin để cùng bàn luận một số vấn đề mà hai bên quan tâm.

Chuyến công du quan trọng

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-9 cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Kazakhstan và Uzbekistan từ ngày 14 đến 16-9 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau 2 năm do Covid-19. Chuyến thăm lần này trùng với Hội nghị thượng đỉnh của SCO tại thành phố Samarkand (Uzbekistan). Theo kế hoạch, ông Tập sẽ gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev. Trong khi đó, ngày 11-9, Reuters dẫn thông báo từ Điện Kremlin và Kazakhstan cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp Tổng thống Putin tại hội nghị SCO. Tuần trước, ông Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, cũng xác nhận và nhấn mạnh cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung sắp tới “rất quan trọng”, diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới đầy biến động, từ mối quan hệ Nga - phương Tây xuống mức thấp kỷ lục liên quan đến vấn đề Ukraine và kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc.

Chuyến công du của ông Tập nhấn mạnh quan hệ chiến lược của Trung Quốc với các nước Trung Á. Trong khi đó, cuộc gặp Nga - Trung được kỳ vọng là cơ hội để Bắc Kinh khẳng định lập trường về duy trì quan hệ với Moscow, đồng thời cũng giúp Tổng thống Putin thể hiện rõ chính sách “xoay trục” về châu Á của Nga. Thực tế, ông Tập gặp trực tiếp ông Putin 38 lần, từ khi trở thành Chủ tịch năm 2013.

Hồi tháng 2-2022, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin, lãnh đạo hai nước khẳng định mối quan hệ đối tác “không giới hạn”. Quan hệ giữa Trung Quốc - siêu cường đang trỗi dậy và Nga - “người khổng lồ” tài nguyên thiên nhiên - đang trên đà phát triển với nhiều tín hiệu tích cực khi thương mại song phương tăng gần 1/3 trong 7 tháng đầu năm nay. Ông Alexander Korolev, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế tại UNSW cho biết, Trung Quốc không chỉ sẵn sàng tiếp tục mối quan hệ thương mại như bình thường với Nga mà thậm chí còn thể hiện sự ủng hộ rõ ràng và thúc đẩy hình thành mối liên kết Trung - Nga mạnh mẽ hơn.

Tăng cường hợp tác, mở rộng SCO

Gần đây, các nước trong SCO chủ động tăng cường các mối liên kết, hợp tác mạnh mẽ. Tuần trước, hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu của Tổng thống Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) năm 2022 cho biết, ông sẽ có cuộc gặp ba bên với Trung Quốc và Mông Cổ bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand. Cuộc gặp này được kỳ vọng giúp Nga mở rộng thị trường, tìm kiếm những cơ hội hợp tác ở châu Á; trong đó tăng cường xuất khẩu năng lượng đến Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Tuần trước, ông Putin xác nhận Nga đang thảo luận dự án mới về cơ sở hạ tầng quy mô lớn để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc qua Mông Cổ. Nhiều năm qua, tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) nghiên cứu khả năng mở tuyến đường ống dẫn khí lớn đến Trung Quốc qua Mông Cổ với khả năng vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, tương đương 1/3 lượng khí đốt mà Nga thường bán cho châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh SCO dự kiến ​​diễn ra vào các ngày 15 và 16-9. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước thành viên SCO dự kiến xem xét các hoạt động của tổ chức trong 2 thập kỷ qua và thảo luận hiện trạng và triển vọng hợp tác đa phương trong tương lai. Bên cạnh đó, các vấn đề thời sự có tầm quan trọng của khu vực và toàn cầu cũng dự kiến đưa ra bàn thảo.

SCO hiện gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 quốc gia Trung Á. Diễn đàn dự kiến kết nạp Iran, một trong những đồng minh chủ chốt của Nga ở Trung Đông. Tehran Times dẫn lời bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Iran có khả năng ký biên bản cam kết gia nhập SCO. Đề cập đến nhiều quyết định tích cực sẽ được đưa ra tại hội nghị, bà Zakharova cho biết, Iran sẽ được phép phê chuẩn các văn kiện thành lập và thỏa thuận quốc tế của SCO. Nhà ngoại giao Nga chỉ ra rằng các thỏa thuận về việc trao cho Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia tư cách đối tác đối thoại đã được chuẩn bị để ký kết và các cuộc đàm phán về Bahrain, Maldives và các quốc gia khác sẽ được thực hiện. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình Belarus gia nhập tổ chức này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.