Quốc tế
Bắc cực - "chiến trường" mới của các siêu cường?
Bắc cực - vùng đất có tính chất hoang mạc, khí hậu khắc nghiệt và rất ít người sinh sống nhưng ẩn chứa nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, quân sự và an ninh khiến nơi đây trở thành “chiến trường” của các cường quốc.
Bắc cực là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên khi có những mỏ kim loại quý và chứa khoảng 1/3 trữ lượng khí đốt và 1/4 trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ USD. Có hai tuyến đường biển xuyên đại dương chạy qua khu vực này: Phương Bắc (NSR) và Hành lang Tây - Bắc (NWP) kết nối thông thương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Với tốc độ băng tan hiện nay, đến cuối thế kỷ này, Bắc cực sẽ gần như không còn băng. Điều này đồng nghĩa với việc tàu chở hàng có thể hoạt động trên các tuyến NSR và NWP quanh năm mà không bị gián đoạn.
Tám nước thành viên thuộc Hội đồng Bắc cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Tuy nhiên, chỉ có 6 nước trong số này hưởng quy chế duyên hải Bắc cực, gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Hai nước khác có lãnh thổ ở vùng cực này nhưng không có duyên hải Bắc cực là Thụy Điển và Phần Lan. Trong đó, Nga chiếm ưu thế vượt trội khi sở hữu 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc cực. Moscow xem vùng này là “sân nhà” và địa điểm chiến lược có giá trị thiết yếu cả về chính trị và kinh tế. Do đó, việc bảo vệ khu vực này đã được ghi trong học thuyết quân sự của Nga. Mỹ cũng có phần diện tích và đề ra chính sách Bắc cực năm 2009. Nước này công bố Chiến lược quốc gia đối với Bắc cực năm 2013 và ban hành Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017; trong đó, Bắc cực được xếp trong nhóm không gian trên bộ, trên biển, vũ trụ, nơi Mỹ coi là có chủ quyền, là ưu tiên, lợi ích chiến lược, an ninh quan trọng.
Gần đây, nhiều nước nằm xa Bắc cực như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đặc biệt quan tâm vùng đất này. Đáng chú ý, Trung Quốc đề ra chiến lược Bắc cực đầy tham vọng với sáng kiến Con đường tơ lụa Bắc cực và Sách trắng Bắc cực năm 2018.
Theo các nhà quan sát, tâm điểm của sự đối đầu trực tiếp Nga-Mỹ có thể là Bắc cực vì khu vực này đều tiếp giáp gần với lãnh thổ của hai nước. Bắc cực là nơi hai cường quốc triển khai hệ thống vũ khí hiện đại có từ thời Chiến tranh Lạnh và tăng cường đáng kể những năm gần đây.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 7-10, Mỹ công bố chiến lược Bắc cực mới. Nhà Trắng cho biết, chiến lược này “cũng tính đến sự cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt ở Bắc cực, vốn trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và nỗ lực của Trung Quốc để gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực; đồng thời tìm cách xác định vị trí Mỹ để làm sao vừa cạnh tranh vừa quản lý căng thẳng hiệu quả”. Washington “sẽ răn đe các mối đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ và các đồng minh bằng cách tăng cường các khả năng cần thiết để bảo vệ lợi ích ở Bắc cực, phối hợp tiếp cận chung về an ninh với các đồng minh và đối tác, đồng thời giảm thiểu rủi ro của việc leo thang ngoài ý muốn”.
Ngày 29-7, Bộ Ngoại giao Mỹ bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Jim DeHart làm điều phối viên của Mỹ đặc trách Bắc cực. Ông DeHart sẽ chỉ đạo và điều phối công tác hoạch định chính sách và cam kết ngoại giao của Bộ Ngoại giao để thúc đẩy những lợi ích của Mỹ tại khu vực liên quan đến an ninh, tăng trưởng kinh tế bền vững và hợp tác trong khuôn khổ các nước Bắc cực nhằm hỗ trợ và củng cố trật tự dựa trên luật định tại khu vực.
Bắc cực đã và đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, trong đó chủ đạo là các siêu cường Nga, Mỹ và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy cạnh tranh chiến lược; đồng thời nó cũng tiềm ẩn nguy cơ về quân sự, an ninh mà việc giải quyết có thể vượt qua khuôn khổ ngoại giao.
TUYẾT MINH