Quốc tế
Nga cảnh báo đáp trả vụ tấn công cầu ở Crimea
Nga cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả “lực lượng khủng bố” từ Ukraine sau vụ nổ lớn tại cây cầu huyết mạch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea khiến 3 người thiệt mạng và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác. Ngày 10-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia sau vụ việc này.
Căng thẳng leo thang sau vụ nổ cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea ngày 8-10. Ảnh: Anadolu Agency |
Vụ nổ cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch là diễn biến mới nhất làm leo thang căng thẳng Nga-Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow tại nước láng giềng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay sau vụ việc này, Tổng thống Putin ký sắc lệnh yêu cầu cơ quan An ninh Nga tổ chức và điều phối biện pháp bảo vệ tuyến giao thông qua eo biển Kerch, cầu nối lưới điện giữa Nga và Crimea, cùng với đường ống dẫn khí đốt chính giữa vùng Krasnodar và bán đảo này.
The Guardian dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, vụ nổ cầu ở Crimea là “hành động khủng bố” do lực lượng đặc nhiệm Ukraine lên kế hoạch. Trong đoạn video được đăng tải trên kênh Telegram của Điện Kremlin, ông Putin cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự cực kỳ quan trọng. Vụ tấn công do các lực lượng đặc nhiệm Ukraine nghĩ ra, thực hiện và sắp xếp”.
Nhận định trên được ông Putin đưa ra sau khi gặp lãnh đạo Ủy ban Điều tra Quốc gia Alexander Bastrykin tối 9-10 (giờ địa phương). Ông Bastrykin trình bày kết quả điều tra về vụ nổ; đồng thời cho biết một số công dân Nga và người nước ngoài đã “tiếp tay” cho lực lượng đặc nhiệm Ukraine thực hiện tấn công.
Theo Ủy ban quốc gia Nga về chống khủng bố (NAC), một chiếc xe tải phát nổ trên cầu vào sáng 8-10, gây ra vụ cháy bảy bồn téc chở nhiên liệu của đoàn tàu đi trên tuyến đường sắt, khiến 2 nhịp cầu đường bộ bị sập một phần. Ủy ban Điều tra Nga đã xác định một số chi tiết về chiếc xe tải đã phát nổ và chủ sở hữu xe. Chủ sở hữu xe là cư dân vùng Krasnodar. Nhà chức trách đang điều tra về nơi ở của người này, lộ trình di chuyển của chiếc xe và các tài liệu liên quan.
Theo Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin, giao thông đường sắt trên cầu đã được khôi phục và một phần hoạt động lưu thông bằng đường bộ cũng đã được mở lại cho xe buýt và ô-tô. Nga cũng đã thiết lập tuyến đường đi cho xe tải, bao gồm các điểm quá cảnh qua Bulgaria, Georgia, Armenia, Bắc Ossetia, Krasnodar (khu vực ở miền nam nước Nga) và những nơi khác.
Hãng TASS (Nga) dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 9-10 tuyên bố, nước này chỉ có thể đáp trả “cuộc tấn công của Ukraine” vào cầu Crimea bằng cách “tiêu diệt những kẻ khủng bố”. Ông Medvedev nói rõ: “Nga chỉ có thể đáp trả tội ác này bằng cách trực tiếp tiêu diệt những kẻ khủng bố, như thông lệ ở những nơi khác trên thế giới. Đây là điều người dân Nga mong đợi”.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov cũng cảnh báo về sự đáp trả tương xứng của Nga đối với vụ nổ. Trang india.com cho biết, theo các nguồn tin từ hai tờ báo Mỹ, vụ nổ do Ukraine dàn dựng. Theo đó, New York Times dẫn nguồn quan chức cấp cao Ukraine tuyên bố Kiev đứng sau vụ nổ, đồng thời nhấn mạnh vụ tấn công là do cơ quan tình báo Ukraine dàn dựng. Cơ quan tình báo Ukraine đã đặt bom trên xe tải đang chạy qua cầu. Tuyên bố này được lặp lại bởi Washington Post.
Đáng chú ý, ngày 9-10, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa vụ nổ cây cầu. Cụ thể, khi được hỏi liệu cuộc tấn công vào cây cầu huyết mạch có thể kích hoạt học thuyết hạt nhân của Nga hay không, ông Peskov khẳng định: “Không. Đó là một công thức hoàn toàn sai cho câu hỏi này”.
Trong khi đó, Ukraine không đưa ra bất cứ bình luận nào, đồng thời cũng không nhận trách nhiệm về vụ nổ. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2, các quan chức Ukraine liên tục đưa ra những lời cảnh báo tấn công cây cầu Crimea. Họ cho rằng, cây cầu này đóng vai trò là con đường chiến lược, nối bán đảo Crimea của Nga và vùng Krasnodar của nước này.
Ngày 10-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh nước này sau khi nước này thắt chặt an ninh cây cầu và bổ nhiệm Đại tướng Sergei Surovikin làm chỉ huy mới của các lực lượng Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal cho biết, 11 cơ sở hạ tầng tại thủ đô Kiev và 8 khu vực ở nước này bị hỏng nặng sau hàng loạt vụ nổ lớn. Một số nơi bị mất điện, dịch vụ cung cấp nước và thông tin bị gián đoạn.
Cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea là cây cầu dài nhất châu Âu (19km), mang biểu tượng lẫn lợi ích thực tế rất quan trọng với Moscow. Cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Công trình trị giá gần 4 tỷ USD, cho phép ô-tô và tàu hỏa lưu thông. Cây cầu là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga ở miền nam Ukraine vì giúp vận chuyển các thiết bị hạng nặng “ra tiền tuyến nhanh chóng” bằng đường sắt. Ngoài ra, nó cũng là huyết mạch chính của cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga. |
THƯ LÊ