Quốc tế

Liệu Mỹ có mất "át chủ bài" ở Trung Đông?

09:44, 22/10/2022 (GMT+7)

Chiến lược địa chính trị ở Trung Đông của Mỹ sau Thế chiến 2 dựa vào hai “con át chủ bài” ở khu vực này: Israel về mặt quân sự và Saudi Arabia về nguồn dầu mỏ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, Saudi Arabia có dấu hiệu “buông bỏ” Mỹ để đi theo cách của riêng mình trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông và thế giới có những biến chuyển khó lường.

Một là, vấn đề nhân quyền. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman được cho là có liên quan đến vụ sát hại nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi, cộng tác viên của Washington Post (Mỹ) trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây được xem là bước khởi đầu cho “phép thử” trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia khi Washington lên án Riyadh vi phạm nhân quyền và đóng băng một số lĩnh vực. Trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cam kết trừng trị lãnh đạo cấp cao Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo này. Khi lên nắm quyền, ông Biden ngừng hỗ trợ cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen và ra lệnh ngừng bán một số vũ khí cho Riyadh.

Hai là, vấn đề dầu mỏ. Xung đột Nga-Ukraine khiến bản đồ năng lượng thế giới bị đảo lộn. Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Với tư cách là “người chỉ huy”, Mỹ vừa mở kho dự trữ dầu vừa kêu gọi các đồng minh tăng sản lượng dầu mỏ để bù đắp nguồn cung đang thiếu. Người “cầm trịch” việc tăng hay giảm sản lượng dầu không ai khác chính là Saudi Arabia, quốc gia hàng đầu về trữ lượng, đang nắm vị thế lãnh đạo OPEC+.

Vì thế, dù chưa “hóa giải” vụ nhà báo Khashoggi, nhưng tháng 7-2022, ông Biden tới Riyadh để gặp người mình từng lên án là Thái tử Mohammad bin Salman để bàn về sự hợp tác, mà chủ yếu về dầu mỏ?! Những tưởng bước đi của Washington sẽ làm cho Riyadh nguôi giận và “nghe theo” lời kêu gọi của Mỹ về tăng sản lượng dầu để cứu các đồng minh, cuối cùng OPEC+ quyết định giảm khai thác 2 triệu thùng dầu/ngày để giữ giá dầu. Đây thực sự là “gáo nước lạnh” dội vào Nhà Trắng trong lúc các đồng minh của Mỹ ở EU lo sợ về mùa đông lạnh giá. Ngay lập tức, Tổng thống Biden tuyên bố, Saudi Arabia sẽ chịu hậu quả khi dẫn đầu OPEC+ giảm sản lượng dầu, động thái được cho là “đứng về phía Nga”. Trong khi đó, Saudi Arabia và các nước OPEC+ như Kuwait, UAE, Oman khẳng định, việc cắt giảm dầu dựa trên sự nhất trí của khối. Đây là quyết định thuần túy về kinh tế, không liên quan chính trị.

Ba là, Saudi Arabia muốn gia nhập nhóm G5. Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Saudi Arabia ngày 19-10, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa xác nhận, quốc gia Trung Đông này bày tỏ mong muốn gia nhập “đại gia đình” BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hay còn gọi là G5. Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh, việc Saudi Arabia tham gia G5 đánh dấu sự thay đổi đáng kể ở các nước hình thành khối; đồng thời cho biết, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 dưới sự chủ trì của Nam Phi sẽ xem xét vấn đề này. Động thái này phát tín hiệu về những thay đổi căn bản của Saudi Arabia trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ suốt 80 năm qua đang ở giai đoạn tồi tệ nhất.

Hành động của Saudi Arabia cho thấy, nước này đang thực hiện chuyển đổi kinh tế-xã hội mang tính thời đại khi Riyadh chỉ có vài thập kỷ để sử dụng nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ nhằm tái thiết kinh tế, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu. Dường như Mỹ đã nhầm nếu cho rằng Saudi Arabia đang hành động vì lợi ích của Nga một cách mù quáng. Trước hết, có thể thấy, Riyadh đang theo đuổi lợi ích của riêng mình và muốn ngăn chặn sự sụt giảm giá dầu để ổn định nguồn thu. Nhà phân tích Hussein Ibish của Bloomberg cho rằng: Saudi Arabia không chọn phe mà chỉ đặt “lợi ích quốc gia lên trên hết”.

Tuy nhiên, sự “thâm hụt lòng tin” giữa Washington và Riyadh đã có từ lâu nên động thái vừa qua của OPEC+ là “giọt nước tràn ly” khiến Mỹ bị “sốc”. Nếu quan hệ Mỹ - Saudi Arabia tiếp tục nguội lạnh thì nguy cơ Mỹ mất “át chủ bài” về dầu mỏ trong chiến lược địa chính trị ở Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung là điều có thể xảy ra.

TUYẾT MINH

.