Mỹ, Pháp, Anh ra tuyên bố chung về vấn đề Ukraine

.

Mỹ, Pháp và Anh ra tuyên bố chung về vấn đề Ukraine, qua đó bày tỏ quyết tâm tiếp tục ủng hộ nước này bằng viện trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo. Đáng chú ý, tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của ba nước phương Tây này đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các nỗ lực của quốc gia này nhằm bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp cần thiết.

Người dân Ukraine đổ nước ngọt vào các chai để sử dụng vì đường ống cung cấp nước chính cho thành phố Mykolaiv bị hư hỏng sau các cuộc không kích. Ảnh: Reuters
Người dân Ukraine đổ nước ngọt vào các chai để sử dụng vì đường ống cung cấp nước chính cho thành phố Mykolaiv bị hư hỏng sau các cuộc không kích. Ảnh: Reuters

Tuyên bố chung được đưa ra ngày 23-10, ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiến hành điện đàm với những người đồng cấp của các nước phương Tây về tình hình ở Ukraine, trong đó đưa ra cảnh báo đáng quan ngại về nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát.

Những cuộc điện đàm liên tiếp

Theo Sputniknews (Nga), ngày 23-10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu điện đàm lần thứ 2 trong vòng 3 ngày với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Nội dung chính của cuộc điện đàm do Washington khởi xướng lần này cũng như lần trước là về Ukraine. Theo Fox News, ông Austin tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì kênh liên lạc giữa hai bên trong tình hình hiện nay.

Trước đó, Bộ trưởng Shoigu điện đàm riêng với những người đồng cấp của Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là các nước thuộc thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cụ thể, trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bảo đảm với Bộ trưởng Shoigu rằng Ukraine sẽ không leo thang xung đột. Ông Wallace cũng nhắc lại sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine và mong muốn làm giảm leo thang xung đột. Quan chức Anh cũng kêu gọi Ukraine và Nga tìm giải pháp cho xung đột; đồng thời tái khẳng định lập trường sẵn sàng hỗ trợ của Anh. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cũng khẳng định: “Paris không muốn bị kéo vào bất kỳ hình thức leo thang nào”; đồng thời cho biết sẽ có các cuộc thảo luận với người đồng cấp Ukraine.

Theo Reuters, hiện không có dấu hiệu nào từ phía Nga cho thấy các cuộc điện đàm mang lại kết quả tích cực. Song, động thái này cho thấy Nga và các thành viên của NATO do Mỹ dẫn đầu đang tích cực duy trì các kênh liên lạc vào thời điểm xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, tình hình ở Ukraine “đang xấu đi nhanh chóng” và “có xu hướng leo thang không thể kiểm soát”. Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có biện pháp cần thiết để ngăn chặn quân đội Ukraine phá hủy đập thủy điện Kakhovskaya ở vùng Kherson. Hiện Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Thành phố Mykolaiv ở miền nam Ukraine, trung tâm đóng tàu, nơi sinh sống của nửa triệu người, không có nước ngọt trong những tháng qua. Các cuộc không kích gần đây ở nước này được cho là làm gián đoạn nguồn điện trên nhiều vùng rộng lớn của Ukraine, khiến nhiều nơi không được tiếp cận với nguồn nước.

Căng thẳng xung quanh nguy cơ “bom bẩn”

Theo RT (Nga), ngày 23-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ cáo buộc của Moscow cho rằng Kiev chuẩn bị mở cuộc tấn công và sử dụng “bom bẩn”. Ông Zelensky đưa ra tuyên bố khi bình luận về các cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu với người đồng cấp Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các cuộc điện đàm này, ông Shoigu bày tỏ lo ngại Ukraine có “khả năng khiêu khích bằng cách sử dụng “bom bẩn”, kịch bản khiến tình hình xung đột sẽ “xấu đi nhanh chóng”. Trên Telegram, RIA Novosti (Nga) lý giải tuyên bố của ông Shoigu: “Mục đích của hành động khiêu khích này là nhằm tố ngược Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các chiến dịch ở Ukraine, từ đó kích động chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhằm làm suy giảm lòng tin đối với Moscow”.

Theo Moscow Times (Nga), tuyên bố chung của Mỹ, Anh và Pháp cũng bác bỏ cáo buộc nói trên của Nga đối với Ukraine. Theo RT, “bom bẩn” là thuật ngữ để chỉ loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân dưới dạng bột hoặc viên, có khả năng phát tán chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Nếu được sử dụng ở Ukraine, nó có thể gây ô nhiễm phóng xạ và kích động hoảng loạn ở nhiều nước châu Âu. “Bom bẩn” không có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, nhưng rất dễ chế tạo, đặc biệt là với những nước sở hữu vật liệu hạt nhân. Ước tính, có khoảng 70.000 thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ, phân bố tại 13.000 tòa nhà, nằm rải rác khắp nơi trên thế giới.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng cho rằng, cáo buộc nói trên mà Moscow đưa ra là vô lý vì việc sử dụng các quả “bom bẩn” là rất nguy hiểm. “Ukraine là một thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Chúng tôi không có bất kỳ quả “bom bẩn” nào và cũng không có kế hoạch mua bất kỳ quả bom nào”, Ngoại trưởng Ukraine khẳng định.

Về phần mình, Nga cũng nhấn mạnh, nước này không đe dọa bất kỳ quốc gia nào bằng vũ khí hạt nhân. Điện Kremlin nói rằng, vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân. Theo RT, học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu nước này phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ các vũ khí thông thường.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.