Quốc tế
Ông Prayut tiếp tục giữ chức Thủ tướng Thái Lan
Ông Prayut Chan-o-Cha tiếp tục đảm nhiệm chức Thủ tướng Thái Lan sau khi Tòa án cấp cao nhất nước này xác định thời gian cầm quyền của ông chưa vượt quá 8 năm theo quy định của Hiến pháp. Chiến thắng pháp lý lần này mở đường cho ông Prayut có thể tiếp tục tại nhiệm đến năm 2025 nếu ông tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm sau.
Ông Prayut tiếp tục làm Thủ tướng Thái Lan theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp ngày 30-9. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, ngày 30-9, Tòa án Hiến pháp xác định, nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayut chưa đến giới hạn 8 năm vì được tính từ ngày 6-4-2017, khi Hiến pháp mới của nước này có hiệu lực. Theo đó, thời hạn nhiệm kỳ của ông có thể kéo dài đến năm 2025. Phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ của ông Prayut dường như được nhiều chuyên gia đoán định từ trước bởi Tòa án Hiến pháp trước nay thường tránh đưa ra các quyết định gây xáo trộn chính trường. Đây được xem là thách thức lớn nhất từ trước đến nay mà ông Prayut đã vượt qua.
Theo AP, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Prayut dự kiến kết thúc vào năm 2023. Ủy ban bầu cử nước này cho hay, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra chậm nhất ngày 7-5-2023 và nhiều khả năng ông Prayut có thể tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.
Trước đó, ngày 24-8, Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ của Thủ tướng của ông Prayut trong thời gian chờ phán quyết. Ông Prayut (68 tuổi) nắm quyền ngày 24-8-2014 và tiếp tục lãnh đạo đất nước sau cuộc bầu cử năm 2019. Mục 158 của Hiến pháp Thái Lan giới hạn nhiệm kỳ Thủ tướng của nước này là 8 năm. Song, chính trường chứng kiến các luồng ý kiến trái chiều về thời điểm nhiệm kỳ của ông Prayut bắt đầu.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian làm Thủ tướng của ông Prayut bắt đầu năm 2014, với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự - cơ quan nắm quyền ở Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014 và phải kết thúc vào ngày 24-8-2022. Trong khi đó, số khác lại lập luận, nhiệm kỳ nên tính từ khi ông tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào năm 2019. Cũng có ý kiến phản biện rằng, thời gian cầm quyền của ông nên tính từ khi hiến pháp mới có hiệu lực năm 2017. Ông Prayut và những người ủng hộ cũng nhất trí với ý kiến này.
Sau quyết định của Tòa án, người phát ngôn Chính phủ Anucha Buraphashaisri cho biết: “Thủ tướng Prayut tôn trọng quyết định của Tòa án và gửi lời cảm ơn tất cả những người ủng hộ. Từ bây giờ, Thủ tướng sẽ tiếp tục cố gắng và tận dụng mọi khả năng để dẫn dắt đất nước hướng tới thời kỳ hoàng kim thịnh vượng cho tất cả người dân Thái Lan”.
Mark Cogan, Phó Giáo sư tại Đại học Kansai Gaidai (Nhật Bản) cho biết, phán quyết nói trên của Tòa án là giải pháp khả dĩ nhất; đồng thời cho rằng kết quả như vậy sẽ gây ra “ít thiệt hại nhất về mặt chính trị” và bảo đảm “chuyển tiếp suôn sẻ” cho ông Prayut để có thể bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 vào năm sau.
Ngày 30-9, an ninh đã được thắt chặt xung quanh Tòa Hiến pháp để đề phòng các cuộc biểu tình sau phán quyết. Trước đó, năm 2020, hàng chục nghìn người xuống đường yêu cầu ông Prayut và Nội các từ chức, đồng thời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp và cải tổ chế độ quân chủ ở nước này. Những tháng gần đây, Thủ tướng Prayut cũng liên tiếp đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, trong đó là các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm liên tiếp do phe đối lập đề xuất.
Dù tiếp tục nắm quyền, ông Prayut vẫn đối mặt với bài toán chính trị không đơn giản trong cuộc bầu cử vào năm tới, trong bối cảnh tín nhiệm của công chúng dành cho ông đang suy giảm. Việc đình chỉ chức vụ trước đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của ông trong mắt cử tri. Bên cạnh đó, ông Prayut phải chèo lái đất nước vượt qua hàng loạt thách thức như lạm phát, nội tệ suy yếu, quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19. Theo AFP, các đảng ở Thái Lan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2023.
Hiện, bà Paetongtarn Shinawatra, thuộc đảng Pheu Thai và là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra là một trong số các ứng viên được ủng hộ nhiều nhất, qua đó cho thấy gia tộc Shinawatra đang nỗ lực trở lại chính trường.
THƯ LÊ