Quốc tế

Thế giới tuần qua: Anh tiếp tục bất ổn chính trị; Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần 20

08:17, 23/10/2022 (GMT+7)

Việc Thủ tướng Anh từ chức sau 6 tuần hỗn loạn chính trị và Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 là hai sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua.

Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức. Ảnh: AFP

Nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới tiếp tục đối mặt bất ổn chính trị khi Thủ tướng Liz Truss hôm 20-10 tuyên bố từ chức. Bà Liz Truss đã phải rời nhiệm sở chỉ sau 45 ngày nhậm chức, khiến bà trở thành nhà lãnh đạo tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.

Chính trị gia đảng Bảo thủ trên được bầu làm Thủ tướng Anh vào ngày 6/9 sau khi người tiền nhiệm của bà, ông Boris Johnson, từ chức. Theo Politico.eu, trong thời gian phủ tại nhiệm ngắn ngủi, bà Truss đã có các cuộc cải tổ nội các và những đề xuất kinh tế nhưng đã vấp phải những phản ứng tiêu cực, làm đảo lộn thị trường và khiến đồng bảng Anh lao dốc.

“Tôi đã bước vào Văn phòng Thủ tướng Anh trong bối cảnh kinh tế đất nước và quốc tế đang trong trạng thái bất ổn lớn. Nước Anh đã bị kìm hãm quá lâu bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, và tôi đã được đảng Bảo thủ bầu ra với nhiệm vụ phải thay đổi điều này. Nhưng tôi nhận ra rằng bản thân không thể hoàn thành nhiệm vụ mà đảng Bảo thủ đã giao phó cho mình", bà Truss nói trong bài phát biểu từ chức.

Vị trí Thủ tướng Anh của bà Truss đã bị lung lay kể từ lúc Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng bị sa thải. Sự xáo trộn của Nội các Anh diễn ra giữa lúc thị trường phản ứng dữ dội sau khi ông Kwarteng công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng mà chưa giải thích rõ làm cách nào để bù đắp cho nguồn thu ngân sách sụt giảm vì những biện pháp cắt giảm thuế này.

Sau đó, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt (được bổ nhiệm thay thế ông Kwarteng) ngày 17-10 tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu. Việc đảo ngược các biện pháp giảm thuế trên đã khiến nỗ lực duy trì vị trí thủ tướng của bà Truss càng khó khăn.

Ngay khi Thủ tướng Truss thông báo từ chức, chiến dịch vận động tìm người thay thế bà đã được khởi động và kéo dài hết tuần này. Đảng Bảo thủ đang chuẩn bị chọn một nhà lãnh đạo mới vào ngày 28/10. Người kế nhiệm bà Truss sẽ là thủ tướng thứ 3 của Anh trong năm nay và là thứ 5 trong sáu năm qua.

Tuy nhiên, sau khi bà Truss tuyên bố từ chức, các đảng đối lập đã kêu gọi để cử tri Anh được lên tiếng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhiều tháng qua tại nước này bằng cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử ngay lập tức.

Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là Thủ tướng Anh tiếp theo, nhưng người thay thế bà Truss sẽ đối mặt với những thách thức lớn, với nhiệm vụ mang lại ổn định để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Thách thức đầu tiên là về chính trị với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hiện chưa đến 40% người dân Anh tin tưởng vào chính phủ so với mức 50% vào năm 2010. Trong khi đó, vấn đề đoàn kết trong đảng Bảo thủ cũng được đặt ra trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ, khi uy tín của họ ngày càng giảm sút nghiêm trọng sau 12 năm cầm quyền.

Một thách thức khác đến từ những khó khăn về kinh tế Anh với thâm hụt ngân sách đáng kể. Nước Anh đã phải đối phó với nhiều bất ổn kinh tế, bao gồm lạm phát tăng cao (đạt mức 10,1% vào tháng 7, mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm), thâm hụt thương mại lớn và phục hồi kinh tế yếu hơn mong đợi từ sau đại dịch COIVD-19.

Đại hội 20 của Trung Quốc

Từ ngày 16-22-10, Trung Quốc tiến hành Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX (Đại hội 20) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bối cảnh nước này đẩy mạnh hiện đại hóa "Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc".

Quang cảnh khai mạc Đại hội ĐCSTQ lần 20. Ảnh: THX
Quang cảnh khai mạc Đại hội ĐCSTQ lần 20. Ảnh: THX

Trong bài bài phát biểu khai mạc Đại hội 20, theo Tân Hoa xã, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã tóm tắt “những thành tựu to lớn” của nước này trong thập kỷ qua. Ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Trong 10 năm qua, chúng ta đã trải qua 3 sự kiện lớn có ý nghĩa thực tiễn và lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp của đảng và nhân dân: Một là, kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ; hai là, Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới; ba là, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cuộc chiến thoát nghèo, hoàn thành việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện, hoàn thành mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ nhất".

"Đây là thắng lợi mang tính lịch sử mà Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc giành được thông qua đoàn kết phấn đấu, là chiến thắng mang tính lịch sử trong biên niên sử phát triển của dân tộc Trung Quốc. Đây cũng là một thắng lợi lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Những thay đổi lớn trong 10 năm qua có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Đảng, lịch sử đất nước Trung Quốc mới, lịch sử cải cách và mở cửa, lịch sử phát triển xã hội chủ nghĩa và lịch sử phát triển dân tộc Trung Hoa”, ông Tập nói.

Đề cập đến phương hướng phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới về kinh tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ ra nước này cần tập trung phát triển nền kinh tế thực, thúc đẩy công nghiệp hóa loại hình mới, đẩy nhanh xây dựng cường quốc sản xuất, cường quốc chất lượng, cường quốc hàng không vũ trụ, cường quốc giao thông vận tải, cường quốc Intenet và một quốc gia tầm trung về kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ hoàn thiện chế độ phân phối, kiên trì duy trì nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo lao động làm chủ thể, kiên trì “làm nhiều hưởng nhiều”, khuyến khích lao động chăm chỉ để giàu có, thúc đẩy công bằng cơ hội, tăng thu nhập của người có thu nhập thấp, mở rộng nhóm thu nhập trung bình, chuẩn hóa trật tự phân phối thu nhập, chuẩn hóa cơ chế tích lũy của cải.

Nhân dịp này, Trung Quốc khẳng định mở cửa toàn diện và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế. Tân Hoa xã dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Zhao Chenxin ngày 17-10 cho biết, nước này sẽ không ngừng mở cửa toàn diện và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế theo hướng cởi mở, bao trùm, cân bằng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Ông Chenxin nhấn mạnh toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược và Bắc Kinh đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và hệ thống quốc tế. Các ngành nghề của Trung Quốc và nhiều nước có tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Do đó, việc thúc đẩy mô hình phát triển mới là điều quan trọng để Trung Quốc đạt được phát triển, có chất lượng hơn và hiệu quả, công bằng, bền vững và an toàn hơn.

Ông Chenxin khẳng định có sự hiểu lầm về mô hình phát triển mới, tập trung vào kinh tế trong nước và có sự tác động qua lại tích cực giữa các luồng kinh tế trong nước và quốc tế. Theo ông, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng tập trung vào kinh tế trong nước sẽ khiến Trung Quốc thu hẹp nỗ lực mở cửa hoặc thậm chí chuyển sang "nền kinh tế tự cung tự cấp".

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 20, ông Tập cũng lưu ý phải cùng coi trọng phát triển và an ninh, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm mô hình phát triển mới và nhắc lại rằng phát triển là ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ trong lãnh đạo và chấn hưng đất nước "thông qua khoa học và giáo dục, lấy nhân tài làm chỗ dựa để tăng cường hiện đại hóa”, nêu bật tầm quan trọng của nhân tài.

Liên quan đến vấn đề an ninh, theo hãng tin Reuters, báo cáo của ông Tập Cận Bình dành toàn bộ 1 chương cho vấn đề an ninh quốc gia, nêu ra "một cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia", bao gồm điều phối các vấn đề "an ninh bên ngoài và bên trong" của Trung Quốc. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không chỉ quan tâm đến an ninh của riêng mình mà còn hợp tác về “an ninh chung”, chủ yếu thông qua “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” do nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu ra vào tháng 4-2022.

Về đối ngoại, ông Tập cho biết trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thúc đẩy ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; tích cực tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu; ảnh hưởng quốc tế, sức hấp dẫn và sức mạnh định hình của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Theo chuyên gia Chu Phong, những nội dung này sẽ tiếp tục là yếu tố cốt lõi trong chính sách sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian tới.

Theo Báo Tin tức (Tổng hợp)

.