Quốc tế
Chiến lược quốc phòng, an ninh của Mỹ có gì mới?
Mỹ gần đây công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên sau thời gian dài trì hoãn. Trước đó, nước này đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia. Ngoài hai văn kiện đáng chú ý này, Lầu Năm Góc còn đưa ra báo cáo phòng thủ tên lửa.
Động thái này của Mỹ có gì mới khi thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế? Có thể nói, xung đột Nga - Ukraine và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến bức tranh toàn cảnh thế giới thay đổi khó lường và có nguy cơ đe dọa vai trò cường quốc số một của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thực tế này khiến Washington nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung chiến lược quốc phòng, an ninh và phòng thủ tên lửa để đối phó với các mối đe dọa.
Chiến lược Quốc phòng 2022 của Mỹ phần lớn là sự tiếp nối của Chiến lược Quốc phòng năm 2018, vốn xoay trục cơ bản từ việc chủ yếu chống lại những kẻ cực đoan sang tập trung trước tiên vào các cuộc chiến tiềm tàng với các đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng nhưng có vũ khí hạt nhân. Tâm điểm của chiến lược mới là quan điểm “răn đe kết hợp” - nghĩa là đồng bộ sức mạnh quân sự (trong đó có kho vũ khí hạt nhân), áp lực kinh tế và chính trị, cùng các liên minh mạnh mẽ - để ngăn chặn các đối tượng tấn công. Báo cáo cũng kiến nghị tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ tối tân, gồm tên lửa siêu vượt âm, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và vũ khí năng lượng định hướng.
Đáng chú ý, văn kiện mới này khẳng định Mỹ sẽ đưa thêm yếu tố biến đổi khí hậu vào những đánh giá về mối đe dọa, cũng như nâng cao khả năng chống chọi của các cơ sở quân sự và tính đến những hiện tượng thời tiết cực đoan trong các quyết định về huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng chú trọng các đồng minh, coi đây là nhân tố chủ chốt trong thế trận phòng thủ của Mỹ, qua đó nêu bật nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hàn gắn quan hệ với các đồng minh - vốn bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Về Chiến lược an ninh quốc gia, Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc là thách thức hàng đầu đối với lợi ích an ninh quốc gia trong khi Nga vẫn là mối đe dọa “cấp tính”. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, thách thức từ Trung Quốc dẫn đến việc Washington phải tăng cường khả năng phòng thủ trên tất cả khía cạnh chiến sự, đặc biệt là không gian và không gian mạng.
Trong khi đó, báo cáo phòng thủ tên lửa của Mỹ xác nhận chấm dứt chương trình phát triển các loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm. Quyết định này có thể giúp Tổng thống Biden hưởng ứng lời kêu gọi của các nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội về việc cắt giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân mà không phải hy sinh những thành tố chủ chốt trong “bộ ba hạt nhân” gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ mặt đất, máy bay ném bom hạt nhân và tàu ngầm tấn công hạt nhân.
AFP nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Mỹ cập nhật cùng lúc chiến lược quốc phòng và chiến lược liên quan đến vũ khí hạt nhân; trong đó việc nâng cao uy lực răn đe hạt nhân để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, đối tác là mục tiêu căn bản của chiến lược hạt nhân. Đối tượng mà Mỹ nhắm đến trong giai đoạn hiện nay, trước hết là chính quyền Nga. Mặt khác, các nhà phân tích cũng nhận định, việc chính quyền ông Biden công bố đồng loạt 3 văn kiện quan trọng nói trên là nhằm mở đường để Quốc hội thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2023 với trị giá khổng lồ lên đến 817 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc; trong đó có các điều khoản nhằm cạnh tranh với các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga, cũng như tăng cường hỗ trợ đồng minh và đối tác…
Điều đó cho thấy, chính quyền Tổng thống Biden đang tập trung các ưu tiên để đối phó với các nguy cơ hiện hữu và tiềm năng, qua đó bảo vệ vị trí siêu cường số một thế giới của Mỹ với phương châm “hòa bình thông qua sức mạnh”.
TUYẾT MINH