Quốc tế

Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc

09:17, 23/11/2022 (GMT+7)

Sau một thời gian kiểm soát Covid-19 tương đối ổn định, Trung Quốc lại đối mặt với những diễn biến mới đáng lo ngại khi số ca bệnh tăng cao và đã có những ca tử vong đầu tiên kể từ tháng 5-2022.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Ngày 22-11, thị trường chứng khoán châu Á có phản ứng trái chiều sau khi sắc đỏ lan rộng tại Phố Wall. Những chỉ số chính Dow Jones, Nasdaq Composite và S&P 500 đều giảm khi nhà đầu tư lo ngại diễn biến dịch căng thẳng trở lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể kéo theo các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều công ty đa quốc gia tại đây.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Ngày 22-11, Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, trong 24 giờ trước đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận 28.127 ca mắc mới, mức gần bằng số ca theo ngày cao kỷ lục hồi tháng 4-2022, thời điểm đợt dịch bùng lên ở Thượng Hải buộc chính quyền phải áp dụng đợt phong tỏa “cứng”. Trong đợt dịch hiện nay, hai điểm nóng đáng chú ý nhất là các thành phố Quảng Châu ở phía nam và Trùng Khánh ở phía tây nam. Số ca mắc mới ở hai thành phố này hiện chiếm khoảng một nửa tổng số ca bệnh mới ghi nhận mỗi ngày toàn quốc. Quảng Châu ghi nhận 8.210 ca trong ngày 21-11.

Dù nỗ lực để không phải phong tỏa toàn thành phố, song chính quyền sở tại cũng phải phong tỏa hoàn toàn hai quận Hải Châu và Bạch Vân những ngày gần đây. Chính quyền thành phố Trùng Khánh vẫn chưa công bố lệnh phong thành trong ngày 21-11 nhưng đã yêu cầu người dân không rời khỏi địa phương nếu không có nhu cầu thiết yếu. Ngày 21-11, Trùng Khánh ghi nhận 6.335 ca, tăng hơn so với 6.127 ca của ngày trước đó.

Điểm đáng chú ý nữa là trong ngày 19-11, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 kể từ tháng 5-2022, theo Global Times. Tiếp đó, ngày 21-11 , nước này tiếp tục xác nhận thêm 2 ca tử vong khác. Cùng ngày, Bắc Kinh thông báo đóng cửa các công viên, trung tâm thương mại, bảo tàng và yêu cầu người dân nên ở trong nhà. Trong khi đó, nhiều thành phố khác đã nối lại xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. Ngày 21-11, thành phố Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh trở thành địa phương mới nhất thông báo triển khai xét nghiệm toàn thành phố. Trước đó, ngày 20-11, thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) cũng có thông báo tương tự.

Dù có những điều chỉnh trong chính sách chống dịch, nhưng về đại thể, Trung Quốc vẫn thực thi nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế phòng Covid-19. Gần 3 năm qua, Trung Quốc vẫn chưa thực sự mở cửa lại biên giới hoàn toàn vì chưa yên tâm với dịch bệnh.

Đe dọa lộ trình mở cửa trở lại

Với chủ trương nhất quán thực hiện chiến dịch “Zero-Covid”, bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng, chính phủ Trung Quốc đã lập tức vào cuộc ngay một cách quyết liệt. Ngày 21-11, trong chuyến thị sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại thành phố Trùng Khánh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải hành động ngay, không được chậm trễ trong việc ngăn chặn đợt dịch vừa bùng lên. Bà Tôn Xuân Lan nhấn mạnh nhu cầu cần triển khai các biện pháp chính xác về mặt điều tra dịch tễ tại vùng dịch và phân loại mức độ nguy cơ giữa các vùng; đồng thời hối thúc chính quyền sở tại phải nỗ lực bảo đảm nhu cầu y tế cũng như sinh hoạt cơ bản của người dân.

Reuters nhận định, đợt bùng dịch mới đang thử thách những điều chỉnh trong chính sách chống dịch gần đây của chính quyền Trung Quốc. Đợt dịch mới nhất cũng khiến nhà đầu tư thêm thấp thỏm. Họ đã trông ngóng và đang tràn đầy hy vọng có thể bắt đầu lại nhịp làm ăn mới sau khi các chính sách kiểm soát dịch được nới bớt. Dù tuần trước chính phủ Trung Quốc đã có những động thái “đánh tiếng” cho thấy lộ trình hướng tới việc mở cửa lại sau tháng 3-2023 khi công bố bản kế hoạch 20 điểm, nhưng với đợt dịch vừa bùng lên hiện nay, những kế hoạch đó có thể sẽ bị đe dọa. “Mọi con mắt đều đang hướng về Trung Quốc”, nhà quản lý Hani Redha tại công ty PineBridge Investments trao đổi với Wall Street Journal, thừa nhận tình hình sẽ rất khó khăn khi số ca bệnh ở Trung Quốc lại tăng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.