Quốc tế
Mỹ - Trung Quốc nỗ lực quản lý sự khác biệt, tránh xung đột
Ngày 14-11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm thẳng thắn và sâu rộng bên lề hội nghị Nhóm các nước đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia) với hy vọng thiết lập hướng đi phù hợp đưa quan hệ Mỹ- Trung Quốc trở lại đúng hướng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị G20 ở Bali (Indonesia) ngày 14-11. Ảnh: Reuters |
Cuộc gặp phát tín hiệu khả quan cho thấy hai bên quản lý sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm, ngăn mối quan hệ rơi vào xung đột, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang gần đây.
Tìm hướng đi đúng đắn cho mối quan hệ song phương
Theo Tân Hoa xã, phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, từ cuộc tiếp xúc ban đầu và thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, Trung Quốc và Mỹ trải qua hơn 50 năm với những thành tựu và điều đáng tiếc, cũng như kinh nghiệm và bài học. Trong thế giới đang chứng kiến những thay đổi to lớn và nhân loại đương đầu với những thách thức chưa từng có, cộng đồng quốc tế hy vọng hai nước sẽ xử lý tốt mối quan hệ song phương. Do vậy, với tư cách hai quốc gia lớn, hai bên cần vạch ra lộ trình phù hợp, tìm hướng đi đúng đắn và nâng tầm quan hệ song phương. “Trung Quốc và Mỹ nên lấy lịch sử làm tấm gương và để lịch sử dẫn dắt tương lai”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và sâu sắc với ông Biden về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với quan hệ song phương cũng như các vấn đề lớn ở khu vực và toàn cầu; đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với ông Biden để đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo ổn định vì lợi ích của hai nước và thế giới nói chung. Bên cạnh đó, hai nước cũng cần làm việc với tất cả các quốc gia khác để đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới, tạo dựng niềm tin lớn hơn vào sự ổn định toàn cầu và động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển chung.
Trong khi đó, CNN dẫn lời Tổng thống Biden cam kết duy trì các kênh liên lạc giữa lãnh đạo hai nước nói riêng, cũng như hai chính phủ nói chung, qua đó tạo cơ hội giải quyết các vấn đề. “Với tư cách là các nhà lãnh đạo của hai quốc gia, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm chứng tỏ rằng Mỹ và Trung Quốc có thể quản lý sự khác biệt, ngăn chặn cạnh tranh biến thành xung đột và tìm cách làm việc cùng nhau trong những vấn đề toàn cầu khẩn cấp đòi hỏi sự hợp tác”, ông Biden nói.
Ngăn cạnh tranh trở thành xung đột
Đúng như dự đoán của truyền thông, phát biểu nói trên của Tổng thống Biden một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ với Bắc Kinh nhưng vẫn bảo đảm cạnh tranh không dẫn đến xung đột. Washington cũng muốn nối lại các kênh liên lạc với Bắc Kinh và thiết lập cơ chế để kiểm soát quan hệ này. Trước đó, Tổng thống Biden muốn cuộc gặp tạo dựng nền tảng giúp hai bên hiểu rõ hơn về các ưu tiên của nhau và giảm rủi ro hiểu lầm và tính toán sai lầm, qua đó ngăn quan hệ này rơi tự do vào vòng xoáy xung đột nghiêm trọng hơn.
Theo giới quan sát, dù cuộc gặp không thể dẫn đến bất kỳ bước đột phá lớn hoặc thay đổi đáng kể nào trong quan hệ khi hai bên không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào nhưng động thái đồng ý đối thoại trực tiếp một cách thẳng thắn, cởi mở được xem là tiến triển tích cực, tạo tiền đề quan trọng cho hai bên tiếp tục trao đổi, dàn xếp những khác biệt trong thời gian tới.
Được biết, hai nhà lãnh đạo đã có 5 cuộc trao đổi qua điện thoại và video từ khi ông Biden nhậm chức đầu năm 2021. Hội đàm ngày 14-11 đánh dấu đối thoại trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2017, khi ông Biden là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama. Lần gần nhất ông Tập Cận Bình gặp nhà lãnh đạo Mỹ là ông Donald Trump năm 2019.
Theo Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang gặp phải những thách thức chưa từng có. Không chỉ Trung Quốc và Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung đang chịu sức ép ngày càng lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế, cộng đồng quốc tế luôn kỳ vọng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định. Đây cũng chính là trách nhiệm lịch sử mà tình hình quốc tế hiện nay và thực tế quan hệ song phương giao phó cho cả hai nước. Tương tự, Mỹ cũng muốn tránh một cuộc đối đầu gay gắt hoặc thậm chí xung đột. Là một quốc gia kiên định theo con đường phát triển hòa bình, Trung Quốc càng không muốn can dự vào các cuộc xung đột với bất kỳ nước nào. Nói cách khác, hai bên nên tìm kiếm sự đồng thuận.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hai nhà lãnh đạo có thể cân nhắc mở rộng đối thoại về kinh tế và thương mại thời gian tới sẽ tạo tiền đề giải quyết các bất đồng khác. Global Times khẳng định, Trung Quốc chân thành mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Mỹ và vẫn giữ lập trường kiên quyết bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia. Trung Quốc sẽ luôn coi và phát triển quan hệ với Mỹ theo ba nguyên tắc: tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi. Trong khi đó, theo Nikkei Asia, tạm gác những sức ép chính trị trong nước, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể định hình quan hệ song phương ít nhất là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
THƯ LÊ