Đà Nẵng cuối tuần

Thế giới ngày càng chật hơn

20:42, 12/11/2022 (GMT+7)

Rốt cuộc thì ngày dân số toàn cầu chạm mốc 8 tỷ người như dự báo cũng đến (ngày 15-11) và con số này tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới. Thế giới đang ngày càng chật hơn.

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. TRONG ẢNH: Khu phố Takeshita ở thủ đô Tokyo luôn sầm uất. Ảnh: AFP
Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. TRONG ẢNH: Khu phố Takeshita ở thủ đô Tokyo luôn sầm uất. Ảnh: AFP

“8 tỷ người là cột mốc quan trọng đối với nhân loại”, Giám đốc Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ) Natalia Kanem nhấn mạnh, đồng thời ca ngợi sự gia tăng tuổi thọ cũng như tình trạng ít tử vong hơn ở bà mẹ và trẻ em. “Tôi nhận ra rằng không phải tất cả mọi người đều vui mừng với khoảnh khắc này. Một số chuyên gia lo ngại thế giới quá đông, nhưng thực tế đó không phải là nguyên nhân gây nên sự sợ hãi”, bà Natalia Kanem nói.

Tốc độ tăng trưởng chung của dân số đang chậm lại

11 năm sau khi dân số đạt 7 tỷ người (vào ngày 31-10-2011), có vẻ như số lượng người trên thế giới đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. Sự tăng trưởng chưa từng có này là do tuổi thọ con người tăng dần nhờ những cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y học. Đây cũng là kết quả của mức sinh cao kéo dài ở một số quốc gia.

Mặc dù dân số toàn cầu mất 12 năm để tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người, nhưng sẽ mất khoảng 15 năm - đến năm 2037 - để đạt 9 tỷ người, dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng chung của dân số đang chậm lại. Đến năm 2050, hành tinh của chúng ta sẽ có 9,7 tỷ người và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080, theo ước tính của LHQ.

Các quốc gia có mức sinh cao nhất thường là những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Do đó, theo thời gian, sự gia tăng dân số toàn cầu ngày càng tập trung vào các quốc gia nghèo nhất, hầu hết là ở châu Phi cận Sahara. Ở những nước này, tốc độ tăng dân số nhanh có thể cản trở việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDGs) - con đường tốt nhất của thế giới hướng tới tương lai hạnh phúc và khỏe mạnh.

Gia tăng dân số làm tăng tác động đến môi trường nhưng thu nhập bình quân đầu người tăng mới là yếu tố chính dẫn đến các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững. Các quốc gia có mức tiêu thụ tài nguyên và phát thải khí nhà kính bình quân đầu người cao nhất có xu hướng là những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, chứ không phải những nước có dân số tăng nhanh.

Việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững, phụ thuộc rất nhiều vào việc hạn chế các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững. Tuy nhiên, việc gia tăng dân số chậm hơn trong nhiều thập niên có thể giúp giảm thiểu sự tác động đến môi trường trong nửa sau của thế kỷ hiện tại.

Kiểm soát mức sinh

Năm 2021, tỷ suất sinh là 2,3 con/phụ nữ, giảm từ mức 5 con/phụ nữ vào năm 1950. LHQ dự đoán con số này sẽ giảm còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050. Việc kiểm soát mức sinh luôn gây tranh cãi, bởi vấn đề nan giải tại các nước có tỷ lệ sinh thấp là tình trạng già hóa dân số; và hơn nữa, nhiều tổ chức kiên quyết bảo vệ quyền của phụ nữ. Ông Robin Maynard - Giám đốc điều hành các tổ chức phi chính phủ (NGO) về vấn đề dân số - cho rằng, cần giảm dân số nhưng phải thông qua “các biện pháp tích cực, tôn trọng nhân quyền”, chứ không phải “các ví dụ đáng trách” về kiểm soát dân số.

Trung Quốc đã từ bỏ chính sách 1 con, đến năm 2016 cho phép sinh 2 con và từ năm 2021 cho phép sinh 3 con. Nhiều địa phương đưa ra chính sách cho nghỉ thai sản dài ngày hơn, trợ cấp cho gia đình có con thứ ba, bảo đảm các loại hình trường giữ trẻ 2-3 tuổi. Tuy nhiên, những thay đổi này không mang lại hiệu quả bởi các cặp vợ chồng ngại sinh đẻ. Năm 2021, Trung Quốc đón thêm 10,62 triệu trẻ ra đời, tương đương 7,5 trẻ/1.000 dân. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1949 ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong khi đó, Ấn Độ đang bùng nổ dân số và dự báo sẽ ​vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất vào năm 2023, tạo ra thêm những trở ngại đối với nỗ lực đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Nguyên nhân được cho là do nạn tảo hôn, tư tưởng tôn giáo chống lại việc kiểm soát sinh sản và tâm lý chuộng con trai. Nhiều nghị sĩ Ấn Độ đã đệ trình dự luật kiểm soát dân số nhưng chưa có dự luật nào được thông qua.

Mỹ tiếp tục là quốc gia đông dân thứ ba vào năm 2050 và sẽ ngang bằng với Nigeria là 375 triệu người.

Theo Liên Hợp Quốc, khi dân số toàn cầu tăng thêm 1 tỷ người (từ 7 tỷ lên 8 tỷ người), khoảng 70% dân số tăng thêm sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Hơn 50% dân số tăng lên vào năm 2050 dự kiến tập trung tại 8 quốc gia gồm: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.


KHÁNH LINH (theo UN, AFP)
.