Quốc tế

Ấn Độ tăng tốc trong cạnh tranh địa kinh tế ở châu Á

08:32, 03/12/2022 (GMT+7)

Bên cạnh sự hiện diện mở rộng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương, giờ đây, một cường quốc khác tích cực gia nhập cuộc cạnh tranh địa kinh tế ở những khu vực này khi sẵn sàng chi bộn tiền để tạo dấu ấn lâu dài: đó chính là Ấn Độ. 

Nguồn: Bộ Ngoại giao Ấn Độ - Đồ họa: Mai Anh
Nguồn: Bộ Ngoại giao Ấn Độ - Đồ họa: Mai Anh

Bài viết mới nhất của Financial Times cho thấy góc nhìn gần như đầy đủ về nỗ lực của New Delhi khi tìm điểm cân bằng tối ưu giữa các lợi ích từ hợp tác kinh tế quốc tế và các tính toán về địa chính trị và an ninh trong khu vực.

Sức hút từ các khoản cho vay hàng chục tỷ USD

Ngược dòng thời gian, năm 2018, các kỹ sư Trung Quốc trở thành những người đầu tiên “nối” các đảo rải rác của Maldives bằng đường bộ khi khánh thành cầu Sinamalé dài 2 km bắc qua vùng biển ngăn cách thủ đô Malé với sân bay của nước này. Cây cầu liên đảo là biểu tượng của chương trình cho vay cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. Giờ đây, bằng các khoản vay và viện trợ không hoàn lại, Ấn Độ cũng có động thái nối gót khi tài trợ “Dự án kết nối Đại Malé” trị giá 500 triệu USD với việc xây dựng cầu dài 7 km nối Malé với một số hòn đảo xung quanh khác. “Trận chiến” của những cây cầu trong chuỗi đảo đẹp như tranh vẽ này là một trong những minh chứng rõ nhất về cạnh tranh giành ảnh hưởng địa-kinh tế giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Khi các dự án thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc nở rộ ở Nam Á và Ấn Độ Dương thì cũng là lúc chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tăng các khoản cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tiềm năng này. Trước đây, Ấn Độ đi sau Trung Quốc về các khoản cho vay ở nước ngoài nhưng trong những năm gần đây, New Delhi cung cấp khoản tín dụng hàng chục tỷ USD cho các nước láng giềng, gồm cả những nước tham gia BRI.

Vai trò chủ nợ hào phóng của Ấn Độ tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong năm qua khi lạm phát toàn cầu gia tăng và giá trị đồng USD liên tục lập đỉnh đã khiến một số nước láng giềng gặp rắc rối về tài chính. Ấn Độ cung cấp gần 4 tỷ USD khoản vay và trợ cấp cho Sri Lanka, với lãi suất hiệu dụng chỉ khoảng 1% năm 2021, so với mức 3,2% mà Trung Quốc đưa ra. Cơ quan quản lý quan hệ đối tác phát triển Ấn Độ cung cấp các hạn mức tín dụng cho các nước khác tăng gần gấp ba lần về giá trị kể từ khi ông Modi nhậm chức năm 2014 so với giai đoạn 8 năm trước đó, với tổng trị giá 32,5 tỷ USD. Ông Modi khẳng định: “Việc cho vay của Ấn Độ dựa trên nhu cầu và ưu tiên của các đối tác và tôn trọng chủ quyền của họ”.

Theo RIS, viện trợ phát triển của Ấn Độ tăng từ 55 tỷ USD lên 107 tỷ USD kể từ năm 2014. Dẫu con số này vẫn khiêm tốn nếu so với 838 tỷ USD mà BRI của Trung Quốc đặt mục tiêu cách đây 9 năm nhưng New Delhi đã mở rộng hơn 300 hạn mức tín dụng cho khoảng 600 dự án, từ nhà máy xi măng ở Djibouti đến cây cầu ở Maldives. Ông C. Raja Mohan, chuyên gia cao cấp tại Viện Chính sách xã hội châu Á, cho biết: “Ấn Độ ý thức rõ về việc cần phải làm điều gì đó sống động hơn nhiều đối với cạnh tranh địa-chính trị với Trung Quốc”.

Kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân

Các công ty Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng phạm vi hoạt động trong khu vực, qua đó tạo ra đối trọng đáng gờm với sức hút thương mại của Trung Quốc. Bên cạnh các doanh nghiệp quốc doanh, chính phủ Ấn Độ đang kêu gọi sự tham gia tích cực hơn từ các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ nước này khéo léo kết hợp chính sách và ngoại giao để khuyến khích các khu vực tư nhân theo đuổi các thỏa thuận mang lại cơ hội thương mại lớn trong khu vực.

Trong những năm gần đây, các tập đoàn như Adani, Tata, Larsen & Toubro, GMR, Adani đã mở rộng hoạt động kinh doanh quan trọng ở nước ngoài. “Gã khổng lồ” Adani do tỷ phú Gautam Adani, người giàu thứ ba thế giới điều hành, thực hiện hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng ở khắp nơi từ Myanmar đến Sri Lanka. Tháng 11-2022, Adani bắt đầu dự án nhà ga mới trị giá 700 triệu USD tại cảng Colombo (Sri Lanka).

Động thái kinh tế của Ấn Độ cũng được xem là đòn bẩy giúp nâng vị thế của cả khu vực Nam Á. Trong lịch sử, New Delhi có hai lý do chính để sử dụng các nguồn lực của mình ở nước ngoài: tăng cường sức mạnh mềm thông qua hỗ trợ phát triển và tài trợ cho cơ sở hạ tầng quan trọng đối với thương mại trong khu vực. Trước đây, việc thiếu đầu tư vào các cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại khác ở Nam Á là “nút thắt” chính khiến khu vực này vẫn là một trong những nơi kém hội nhập nhất thế giới. Theo WB, thương mại nội vùng chỉ chiếm 5% tổng thương mại do quan hệ Ấn Độ-Pakistan lục đục được xem là rào cản đối với sự phát triển. Các nhà phân tích cho rằng, cải thiện kết nối khu vực rõ ràng là công cụ cần thiết để Ấn Độ thúc đẩy sự tăng trưởng của chính mình. Vấn đề đặt ra là Ấn Độ phải trấn an các nước láng giềng về lợi ích của các khoản cho vay để tránh đồn đoán về các dự án của Ấn Độ ở các nước khác là vỏ bọc để tạo cho New Delhi chỗ đứng quân sự.

THƯ LÊ

.